Phó Thủ tướng Thường trực gợi ý Bắc Ninh lựa chọn nhà thầu qua mạng
Đó là gợi ý của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh chiều 24/8 về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Cơ bản đồng tình với Báo cáo của tỉnh Bắc Ninh và ý kiến của các bộ, ngành tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ và cả nước.
Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại và hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phân tích: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) -3,3%; trong 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất IIP toàn ngành công nghiệp giảm 7,2%; thu ngân sách Nhà nước ước 18.676 tỷ đồng, đạt 63,7% dự toán năm và giảm 6,6% so với cùng kỳ…
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Bắc Ninh cần tìm động lực mới cho phát triển và phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh, hướng tới chính quyền số, kinh tế số với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải cách hành chính.
Bắc Ninh cũng cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp điện tử chủ lực và công nghiệp trong nước. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, khắc phục và xử lý nghiêm vi phạm ô nhiễm môi trường.
Đối với triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí nguồn lực; tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công.
Chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA.
Nếu giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai thực hiện dự án...