'Phố hàng' thời nào cũng đẹp

Gần 100 năm trôi qua, nhiều người tiếc nuối nhìn 'phố hàng' - phố nghề của Hà Nội dần mai một. Thế nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, những 'phố hàng' ấy đang chuyển động cùng thời đại, giữ lại những gì phù hợp nhất với chính mình. Quá khứ dù có tươi đẹp đến đâu nhưng nếu không thể đồng hành cùng tương lai, thì hãy để nó bước vào hoài niệm. Bởi thế, 'phố hàng' hôm nay dù không còn 'hàng' như tên phố, nhưng vẫn để lại dấu ấn không dễ phai mờ trong lòng người dân Thủ đô và du khách tứ phương.

Phố hàng nay không còn hàng như tên phố

Phố Hàng Bồ, phố Hàng Vải, phố Hàng Phèn, phố Hàng Bút, phố Hàng Đồng, phố Hàng Gà, phố Bát Đàn, phố Bát Sứ, phố Lãn Ông, phố Thuốc Bắc, phố Lò Rèn, Hàng Trống, Hàng Bừa, Hàng Lọng, Hàng Nón… những cái tên đã đi vào tiềm thức của người dân phố cổ cũng như người dân Hà Nội. Trước năm 1945, các phố đều mang tên tiếng Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám, các phố được đổi sang tên tiếng Việt như hiện nay.

“Phố hàng” mang dấu ấn đậm nét của các ngành nghề truyền thống theo đúng nghĩa tên gọi của từng phố. Sau năm 1945, hòa bình được lập lại ở miền Bắc và do nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, do diễn biến của lịch sử và quá trình xây dựng, phát triển của Thủ đô Hà Nội, các ngành nghề truyền thống của các phố cổ dần bị mai một đi, không còn được duy trì 100% như trước kia.

Ảnh: BT

Phố Hàng Đồng trước đây chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ đồng như các bộ đồ đồng thờ tự, tranh đồng, đồ dùng để nấu rượu, lọ hoa đồng… nay có khoảng 60% hộ kinh doanh còn hành nghề và lưu lại truyền thống đồ đồng trong nước, và nhập thêm từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Phố Hàng Gà trước đây chuyên kinh doanh buôn bán gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây và sản phẩm làm ra từ gà, vịt, gà tây… Nay phố Hàng Gà không còn duy trì ngành nghề truyền thống trên và phát triển rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sầm uất khác nhau như khách sạn, ăn uống, in thiệp mời. Phố Bát Đàn xưa kia chuyên bán buôn bán, đĩa, ấm chén, chum, vại, lọ lục bình, đồ gốm, đồ gốm dát vàng… nay phố không còn duy trì ngành nghề truyền thống. Người dân đã chuyển hướng kinh doanh hàng ăn uống, cafe giải khát, tạp hóa, tạp phẩm. Phố Hàng Bút trước đây chuyên sản xuất kinh doanh các loại giấy, vở, bút, mực cho học sinh, họa sỹ. Hiện nay không còn tồn tại ngành nghề truyền thống này trên phố.

Phố Bát Sứ trước đây còn gọi là phố Hàng Chén chuyên kinh doanh các sản phẩm làm từ đồ gốm, đồ sành sứ trong nước và nhập từ nước ngoài như bát, đĩa, ấm chén… Hiện nay, phố không còn duy trì ngành nghề truyền thống mà chuyển sang kinh doanh khách sạn, nhà hàng, cafe, giải khát, ăn uống. Phố Lò Rèn trước đây là phố chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm như lưỡi cày, lưỡi bừa, cuốc, xẻng, lưỡi hái, cửa sắt…. Trên phố hiện còn hộ ông Nguyễn Phương Hùng ở số 4 Lò Rèn sản xuất kinh doanh thủ công bằng kéo bễ thổi lửa với những sản phẩm tinh tế, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Tuyến phố Lãn Ông là phố duy nhất trong 36 phố phường Hà Nội còn duy trì ổn định và phát triển ngành nghề truyền thống kinh doanh Đông Nam dược cho đến tận ngày nay. Năm 2015, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp toàn bộ phố Lãn Ông và trở thành tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và cả thủ đô Hà Nội. Khách thập phương trong và ngoài nước có nhu cầu khám chữa bệnh, bắt mạch kê đơn, mua các vị thuốc Đông y và các sản phẩm thuốc Đông y đều đến tuyến phố Lãn Ông. Điều đó giúp phố Lãn Ông trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hàng Trống nay cũng không còn ai làm nghề bưng trống, tiện tang trống cho trẻ hay làm thứ trống ếch bịt bằng da dê. Hàng Bừa không làm răng bừa nữa mà sản xuất đồ sắt như cửa cuốn. Hàng Lọng không còn nhà nào làm ô, làm tán, làm tàn, làm lọng. Hàng Cỏ không còn ai buôn cỏ mà đã có nhà ga xe lửa.

Có thể thấy chỉ còn vài tuyến phố như Lãn Ông, Thuốc Bắc, Lò Rèn, Hàng Đồng,… còn duy trì ổn định, từng bước phát triển, phát huy giá trị của ngành nghề truyền thống cho đến tận ngày nay. Nhưng cũng không còn 100% đặc trưng “phố hàng” như xưa nữa.

“Phố hàng” trong trái tim người Hà Nội

Trải qua bao biến thiên thăng trầm cùng lịch sử, những con phố chạy dọc ngang với những ngôi nhà lô xô mái ngói thâm nâu, tường vôi loang lổ rêu phong đã in dấu, hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội. Nhiều người khó chấp nhận sự đổi thay của phố xá, ôm nỗi tiếc nuối khi vẻ đẹp thân quen ấy dần dần thay đổi. Thế nhưng, không ít người thừa nhận rằng, cấu trúc “phố hàng” đã được bảo tồn rất tốt, từ chính sách của Thành phố và từ ý thức của mỗi người dân.“Phố hàng” vẫn nằm đó nhưng đã khoác lên mình một chiếc áo mới, hòa nhịp vào cuộc sống hiện đại của con người hiện đại. Trong cái tiếc nuối còn có cái tự hào.

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Nón, chị Đinh Hiền đã chứng kiến bao đổi thay của con phố này. Ngày nay phố không còn làm các mặt hàng truyền thống mà bán các mặt hàng khác nhau, chỗ giáp Hàng Quạt có bán các loại trướng thêu. Cuối phố Hàng Nón có gần chục cửa hàng bán guốc, đủ kiểu dáng.

Chị chia sẻ: “Cũng như nhiều phố cổ ở Thủ đô, người Hàng Nón cũng có truyền thống "buôn có bạn, bán có phường". Phố đã tạo được nét đặc trưng cho riêng mình với bản sắc của những mặt hàng trong thời kỳ đổi mới. Và hơn hết, phố vẫn ở đó, không dịch chuyển đi đâu được, và ngày càng nhiều du khách ghé qua khiến cho phố nhộn nhịp hơn, đáng yêu hơn. Chỉ cần Thành phố có những chính sách bảo tồn và người dân có ý thức giữ gìn văn hóa phố cổ, thì dù làm nghề gì, phố cũng vẫn đẹp và ngày càng đẹp hơn lên. Tôi không nghĩ rằng, “phố hàng” phải giữ được như thời khởi đầu mới đủ đẹp”.

Khách quốc tế tìm đến Việt Nam không phải là tìm tới những ngôi nhà chọc trời, bởi những nước phát triển, họ từng có những ngôi nhà hiện đại cách đây cả thế kỷ. Nhưng họ sẽ tìm về những khu phố cổ ở Hà Nội, với những con phố nhỏ, những ngôi nhà nhỏ và ăn những món ăn trong những hàng, quán nhỏ: Chả cá Lã Vọng, nem, phở, trà đá, bia hơi,…Và rất nhiều những món ngon, thức quà ấy đến từ những “phố hàng” mà bao năm đổi thay đã hình thành nên.

Ảnh: BT

Anh Nguyễn Khánh Toàn, một người con của phố nghề Hàng Thiếc cho hay: “Nhà tôi có nghề làm tôn, đến giờ vẫn gia công các sản phẩm bán cho khách du lịch. Thế nhưng phải thừa nhận rằng, để “giữ nghề” rất khó, bởi sản phẩm bán ra chỉ là đặc trưng chứ không thể sống bằng nghề. Xung quanh ban đầu lác đác vài hộ bỏ nghề mở quán ăn, quán cà phê, rồi nhà nọ nối đuôi nhà kia mở quán. Giờ những hộ làm nghề chỉ còn trên đầu ngón tay.

Nếu được hỏi có tiếc nuối không, thì tôi khẳng định là có. Nhưng như thế không có nghĩa là phải lưu giữ nguyên trạng từ 100 năm trước thì phố mới đẹp. Ví dụ như phố Lò Rèn, nếu các hộ bây giờ vẫn mở lò rèn ngay trong phố thì sẽ gây biết bao hệ lụy như cháy nổ, chập điện, ô nhiễm, tiếng ồn. Tôi cho rằng, “phố hàng” đang vận động theo quy luật của tự nhiên, còn có hay, có đẹp hay không còn phụ thuộc vào cách chúng ta ứng xử với “phố hàng”.

Thời gian gần đây, đi qua nhiều tuyến phố như Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Dầu, Đào Duy Từ, Mã Mây, Nhà Thờ, Nhà Chung, Hàng Trống… lại thấy những điều khác lạ. Những ngôi nhà cổ bỗng phô ra vẻ đẹp thân thuộc vốn có. Những ngôi nhà xây mới về sau này cũng được đổi màu sơn, để không quá đối lập với những ngôi nhà cũ, nhà cổ. Nhiều tuyến phố, hầu như không còn thấy những “ba-lô, chuồng cọp” cơi nới ở ban công. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường…, một thời “rợp trời” mái che, mái vẩy, giờ cũng gọn gàng hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, một người dân phố cổ đã “di cư” vào miền Nam sinh sống, thỉnh thoảng có trở về Hà Nội, chia sẻ: “Mỗi lần trở lại Hà Nội lại thấy Hà Nội đổi khác, đẹp lên rất nhiều. Không nói đâu xa, ngay quanh Hồ Gươm đã khác xa 50 năm về trước. Cỏ cây hoa lá bốn mùa khoe sắc, Hồ Gươm phong quang, sạch sẽ. Rồi những “phố hàng” giờ đây cũng lung linh hơn dù không còn là những con phố chuyên doanh như trước.Tôi đồng ý rằng chúng ta cần bảo tồn những giá trị truyền thống, nhưng không vì thế mà phủ nhận vẻ đẹp của “phố hàng” qua trăm năm vận động cùng thời đại. Với tôi, và có lẽ cũng với nhiều người, “phố hàng” thời nào cũng đẹp, đẹp trong ký ức và đẹp ở hiện tại”.

Hãy để “phố hàng” thay đổi cùng thời gian

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), đặc điểm của phố cổ là tồn tại nhiều loại hình kiến trúc. Với những công trình xây dựng sau này, quận Hoàn Kiếm đã khuyến khích người dân sơn màu phù hợp với không gian phố cổ, loại bỏ những phần xây dựng, cơi nới, lắp đặt kém thẩm mỹ. Đối với những công trình kiến trúc cổ, cũ, quận có danh mục những kiến trúc có giá trị. Căn cứ vào từng căn nhà mà có phương án chỉnh trang phù hợp.

Với kinh nghiệm thu được trong quá trình làm thí điểm chỉnh trang, cải tạo một đoạn phố Tạ Hiện, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã phân loại những ngôi nhà có giá trị thành các loại: Kiến trúc Việt Nam truyền thống, kiến trúc phong cách Trung Hoa, kiến trúc ảnh hưởng của châu Âu (gồm phong cách Địa Trung Hải, An-pơ và Art-Deco). Những ngôi nhà được vệ sinh sạch sẽ mặt tiền, sơn lại màu tường, màu cửa, tháo dỡ mái che, mái vẩy, tư vấn để người dân lắp biển hiệu sao cho phù hợp. Tường chủ yếu được sử dụng màu vàng với những sắc độ khác nhau.Những ngôi nhà có giá trị kiến trúc sẽ được phục chế những phần kiến trúc đã hỏng hóc. Đối với những gia đình có nhu cầu làm mái che chống nắng, mưa sẽ được hướng dẫn cách làm mái che theo một mẫu quy định thống nhất về màu sắc, độ dài từ mặt tiền ra vỉa hè, do đó, tránh được tình trạng lộn xộn. Mặc dù diện mạo phố cổ được cải thiện cùng với quá trình chỉnh trang, tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Bên cạnh đó, một số ngôi nhà sử dụng những màu sắc, sử dụng các loại đèn trang trí quá nổi bật, lạm dụng cửa kính, không phù hợp với gam màu vàng, ngói nâu của phố cổ.

Được hình thành từ cả trăm năm trước, hình ảnh những con “phố hàng” nối tiếp nhau tựa như một thước phim sinh động và chân thực, tạo nên bức tranh toàn cảnh về đời sống sinh hoạt, làm ăn buôn bán của người dân Hà Nội. Những dãy phố bắt đầu bằng chữ “hàng” đã luôn là một phần không thể thiếu trong nỗi nhớ của những người dân Hà Nội.

Tại các “phố hàng” không chỉ xuất hiện những hoạt động thương mại hay trao đổi hàng hóa, điều gây ấn tượng sâu sắc hơn cả chính là nét đẹp đẽ bởi vẻ rộn ràng, tấp nập và sức sống của cả một nền thương nghiệp sông Hồng hưng thịnh chất chứa đằng sau sự phát triển của các “phố hàng”.

Ảnh: BT

Cho đến nay, tuy vẫn là những con phố đông đúc nhưng có lẽ, cái đẹp của “phố hàng” đã dịu êm đi phần nào, càng làm những nét mộc mạc, giản dị và gần gũi trở nên rõ ràng hơn. Theo dòng thời gian và sức phát triển mạnh mẽ của xã hội đương thời, có một số điều trong những năm tháng xưa cũ sẽ không thể giữ lại mà phải biến đổi để trở nên phù hợp hơn với thời đại. Vì vậy, có những con phố vẫn giữ đúng cái nghề đặc trưng của mình, nhưng cũng có những phố đã rời bỏ nét đặc trưng vốn có.

Nhiều người cho rằng, sự thay đổi ấy chính là một điều đáng tiếc khi chứng kiến sự mai một, khi mà nơi từng “hàng gì bán đó” lại chẳng còn những ấn tượng đúng với tên gọi của chúng. Nhưng có lẽ, người ta đã quên mất rằng, nếu chỉ biết bám víu vào những gì đã qua thì những điều tốt đẹp hơn sẽ mất cơ hội để đến với chúng ta. Nhìn mặt tích cực để thấy rằng “thay đổi” không có nghĩa là mất hết những vẻ đẹp ngày trước, mà là để sự hiện hữu của vẻ đẹp ấy trở nên có ý nghĩa hơn.

“Hàng” là một từ thuần Việt, không hoa mỹ hay cầu kỳ nhưng lại hàm chứa sự thân thuộc đầy mến thương đối với người dân Việt. Những “phố hàng”của Hà Nội tượng trưng cho vẻ đẹp nguyên bản xuất phát từ những nhu cầu đơn giản nhất của mọi tầng lớp con người sống chung trên mảnh đất “giữa lòng sông”, từ sự gắn bó chặt chẽ nhất giữa trái tim con người nơi Thủ đô và từng tấc đất nơi họ sinh sống. Chỉ cần mỗi con người đều có ý thức giữ gìn, một lòng tin tưởng, yêu mọi dáng vẻ của quê hương xứ sở thì “phố hàng” vẫn cứ đẹp, cứ đa sắc màu và cứ thân thương trong mắt người Hà Nội vậy thôi.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/pho-hang-thoi-nao-cung-dep-159799.html