Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong bị khởi tố, bắt tạm giam
Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vì có dấu hiệu giao đất công cho tư nhân giá 'bèo'
Ngày 12/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an ban hành Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 7 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Trong đó có ông Nguyễn Văn Phong, (SN 1967, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên Giám đốc Sở Tài chính).
Theo đó, cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1967, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên Giám đốc Sở Tài chính) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 6 bị can khác gồm: Đặng Hoài Nhân, sinh năm 1965, Chủ tịch Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận. Nơi thường trú và nơi ở hiện tại: Khu phố 2, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Nguyễn Thanh Cho, sinh năm 1973, Chuyên viên Phòng Hành chính tổng hợp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, trú phường Hưng Long, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Lê Nam Hưng, sinh năm 1980, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, trú Phố Bùi Thị Xuân, phường Xuân An, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Phạm Duy Cường, sinh năm 1974, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận, trú Nguyễn Văn Linh, phường Phú Tài, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Lê Anh Huy, sinh năm 1977, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận, trú đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Phú Trinh, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nguyễn Thị Thu Phong, sinh năm 1962, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận, trú Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Khu phố 8, phường Phú Thủy, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an tiến hành mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông), phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Hồi đầu tháng 2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 bị can với cùng tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Ngô Hiếu Toàn (Phó giám đốc Sở Tài chính).
Theo hồ sơ, dự án thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 nằm trên 3 lô đất số 18, 19 và 20 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B có tổng diện tích 9,26ha do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Dự án có quy hoạch xây dựng 1,5ha đất thương mại dịch vụ, 4,6ha đất ở, diện tích còn lại là đất công cộng dùng chung.
Các lô đất trên được địa phương phê duyệt phương án đấu giá giao quyền sử dụng đất, với giá khởi điểm hơn 111 tỉ đồng (giá năm 2013).
Phương thức đấu giá là chung một gói đấu giá, theo hiện trạng đất thô và khách hàng trúng đấu giá tự bỏ toàn bộ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh, bên trong phạm vi dự án.
Tuy nhiên, địa phương cho rằng không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá các lô đất này mặc dù đã nhiều lần đưa ra thông báo, kéo dài từ năm 2013 - 2015.
Đáng chú ý, trong lúc các sở ngành của địa phương dự kiến làm lại giá theo hướng giảm giá để đấu giá thì đến tháng 1-2017, Công ty cổ phần Tân Việt Phát xin chủ trương cho phép giao đất không thông qua đấu giá đối với 3 lô đất trên.
Cụ thể, vào ngày 3/2/2017, ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận ký tờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh về việc giao các lô đất trên không thông qua đấu giá theo đề nghị của Tân Việt Phát.
Tờ trình nêu: do khu vực này là nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, tường, bia mộ trong việc di dời mồ mả để lại... làm mất mỹ quan và thiện cảm nên không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, mặc dù thủ tục giao đất cho nhà đầu tư vào năm 2017 nhưng tờ trình của sở xin ý kiến áp dụng giá khởi điểm từ năm 2013.
Tờ trình này có gửi đến ông Lê Nguyễn Thanh Danh - lúc này là Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Ngày 20/2/2017, ông Ngô Hiếu Toàn, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận - ký văn bản thống nhất với tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc giao các lô đất trên cho nhà đầu tư bằng hình thức không thông qua đấu giá và áp dụng bằng giá khởi điểm năm 2013.
Đến ngày 7/3/2017, ông Lương Văn Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận ký quyết định thu hồi toàn bộ diện tích các lô đất trên do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Đồng thời cho Công ty cổ phần Tân Việt Phát thuê lô số 18 với thời hạn 50 năm. Còn các lô 19 và 20 được giao cho công ty này với mục đích đất ở kết hợp thương mại.