Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Không để lãng phí tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính
Sáng 11/6, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu tại buổi họp Tổ 17 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi và Cà Mau.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi họp Tổ 17
Phát biểu gợi mở một số nội dung để các đại biểu Quốc hội cùng trao đổi, thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đồng tình với các đại biểu về việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 vào sáng 12/6 và Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ ngày này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc Nghị quyết có hiệu lực sớm để tạo thuận lợi cho các địa phương hoàn thiện công tác chuẩn bị, để đúng theo Kết luận 163-KL/TW của ngày 06/6/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngay từ 1/7/2025, các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã mới vào hoạt động, có thể thực hiện ngay.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 12/6 không có nghĩa các tỉnh mới sắp xếp đi vào làm việc ngay từ ngày này, mà đây có thể là giai đoạn vận hành thử. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để báo cáo UBTVQH; cho rằng trong Nghị quyết có thể có Điều khoản chuyển tiếp để tạo thuân lợi cho các địa phương trong công tác chuẩn bị, triển khai thực tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi họp Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17
Về những nội dung mà Chính phủ cần chỉ đạo, điều hành triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Nghị quyết thể hiện rất rõ. Đó là kịp thời điều chỉnh quy hoạch; sắp xếp ổn định bộ máy, chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc cho cả người nghỉ và người tiếp tục làm việc; sắp xếp các trụ sở, tài chính và tài sản công để không thất thoát, lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, trong Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và các Nghị quyết của UBTVQH về cấp xã tới đây cũng sẽ giao cho Chính phủ, các địa phương xác định chính xác về dân số, diện tích, địa giới hành chính… để báo cáo Quốc hội, UBTVQH; đồng thời đề nghị các đại biểu có thể tham gia ý kiến để bổ sung, bao quát hết các nội dung.
Phân cấp, ủy quyền, tạo cơ chế vượt trội cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ bản UBTVQH đồng ý với đề xuất của Chính phủ với Đề án được chuẩn bị rất công phu với mô hình với “một Trung tâm, hai điểm đến” là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. UBTVQH cũng đề nghị một số vấn đề cần đưa vào Nghị quyết, trong đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan điều hành và cơ quan giám sát phải bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực áp dụng, cơ chế kiểm soát và mối quan hệ đối với hệ thống pháp luật nói chung; bổ sung nguyên tắc kiểm soát để hạn chế rủi ro, tránh việc lợi dụng chính sách.
Thứ hai, về thẩm quyền thành lập Trung tâm tài chính quốc tế, đề nghị quy định theo hướng Quốc hội chỉ quy định những chủ trương và ban hành Nghị quyết về chủ trương thành lập. Vì vậy cần rà soát trong dự thảo Nghị quyết những thẩm quyền thuộc Quốc hội, Chính phủ.
Thứ ba, với “một Trung tâm, hai điểm đến”, rà soát quy định về mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước đối với hai cơ sở này; sự phối hợp giữa hai thành phố; cơ quan giám sát với tinh thần phải phân cấp, ủy quyền, tạo cơ chế vượt trội trong quản lý, điều hành, quyết định các vấn đề của Trung tâm tài chính quốc tế…

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi họp Tổ 17

Các đại biểu Quốc hội tham dự họp Tổ 17
Cũng tại buổi thảo luận Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã thông tin thêm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật về quân sự, quốc phòng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, về cơ bản UBTVQH thống nhất với dự thảo Luật, bởi việc sửa đổi, bổ sung chủ yếu nhằm phù hợp với chính quyền địa phương 02 cấp và sắp xếp tổ chức bộ máy trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh: Cần quy định về xử lý trụ sở dôi dư
Thảo luận về Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, sau khi sáp nhập tỉnh thì sẽ dôi dư rất nhiều trụ sở. Mặc dù Trung ương có chủ trương ưu tiên các trụ sở dôi dư cho ngành Y tế, giáo dục nhưng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn chưa sửa. “Tôi đề nghị ngay trong Nghị quyết về Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta có một Điều cho chủ trương, đối với trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập tỉnh thì được sử dụng vào những mục đích gì, ưu tiên sử dụng với mục đích gì"” ông Đặng Ngọc Huy kiến nghị.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Về vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang lại cho rằng, nếu chúng ta vẫn thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì phải theo nhiều khâu, nhiều bước, thủ tục mất nhiều thời gian. Do vậy cần đưa một ý vào trong Nghị quyết để các địa phương có thể thực hiện ngay, chứ không để không một vài tháng sau, các trụ sở dôi dư sẽ xuống cấp. “Tôi đồng tình cao Nghị quyết nên giao Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện ngay việc sắp xếp trụ sở dôi dư”, bà Ma Thị Thúy đề nghị.
Còn đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề xuất, Nghị quyết giao cho Chính phủ quy hoạch lại các trụ sở dôi dư, giao cho chính quyền địa phương để xử lý để vừa tránh lãng phí, vừa thu về ngân sách cho nhà nước.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đai biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, gồm cả cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện; cho rằng việc này sẽ tạo ra không gian, lợi thế phát triển mới để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đề nghị Chính phủ trước mắt quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, qua đó kết nối giao thương, phát triển kinh tế các địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi, khoảng cách từ trụ sở xã đến trung tâm tỉnh mới sau sắp xếp rất xa, có thể lên đến vài trăm km.
Giải quyết xâm canh, xâm cư
Từ thực tế giữa tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam hiện có nhiều diện tích đất đang xâm canh, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị, Chính phủ quan tâm giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư giữa các địa phương. “Dân thì của Quảng Nam nhưng diện tích canh tác lại thuộc Quảng Ngãi. Cần sớm giải quyết dứt điểm, không sau này khi xác định địa giới hành chính của tỉnh mới thì vùng xâm canh, xâm cư ấy vẫn còn nguyên, không giải quyết được”, ông Đặng Ngọc Huy đề nghị.

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định
Không chỉ vấn đề xâm canh, xâm cư, đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, khó nhất vẫn là vấn đề liên quan đến địa giới hành chính, diện tích, dân số. Nêu ví dụ từ một bài học thực tiễn, đại biểu cho biết, xã Hồng Thủy địa giới hành chính thuộc Quảng Trị nhưng dân số thuộc Thừa Thiên-Huế nên việc giải quyết kéo dài do liên quan đến các vấn đề về chính sách an sinh xã hội đối với nhân dân. Vì vậy, cần nghiên cứu để có thời hạn giải quyết các vấn đề liên quan đến địa giới hành chính hay tình trạng xâm canh, xâm cư.
Một số hình ảnh tại buổi họp Tổ 17:

Bà Hà Thị Nga, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang điều hành họp Tổ 17

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự buổi họp Tổ 17

Đai biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94514