Phổ biến pháp luật và giải pháp thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Sáng 7/11, Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Tọa đàm: Phổ biến pháp luật và giải pháp thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Dự Tọa đàm có đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể; đại diện Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Về phía tỉnh Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh và các địa phương; đại diện HTX, Liên hiệp HTX, Quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Ninh Bình là địa phương có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, vùng đất địa linh nhân kiệt, là kinh đô cổ với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, kỳ thú.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại hội nghị.

Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, các thế hệ nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đổi mới, đoàn kết, đưa Ninh Bình ngày càng phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, Ninh Bình đã khẳng định được vị thế là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành 1 trong 18 tỉnh tự cân đối ngân sách, có đóng góp một phần về Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đứng thứ 11 của cả nước. Du lịch tiếp tục có bước phát triển đột phá, được nhiều chuyên trang, tổ chức du lịch quốc tế bình chọn với những danh hiệu cao quý.

Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về vai trò của kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Để cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết của Đảng, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã năm 2023, tạo nhiều điều kiện hành lang pháp lý cho các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, nhất là cụ thể 8 nhóm giải pháp về các chính sách hỗ trợ đã được nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển chung của cả nước, khu vực kinh tế tập thể tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, có nhiều mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển như Đề án số 22/ĐA-UBND của UBND tỉnh phát triển kinh tế tập thể tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết số 118 phê duyệt Đề án số 16/ĐA-UBND của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, ngoài ra ban hành nhiều chính sách liên quan phát triển du lịch, liên kết vùng, xúc tiến thương mại. Do vậy, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 HTX, 2 Liên hiệp HTX, 515 tổ hợp tác thu hút hơn 300 nghìn hội viên tham gia. Đây là lực lượng nòng cốt tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương cũng như của tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào Công giáo.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu nghe đại diện Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày những điểm mới của Luật HTX năm 2023, Nghị định 113/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật HTX. Đồng thời nghe các đại biểu đại diện các đơn vị, địa phương và HTX, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh trình bày, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, nhân lực, đất đai, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại…, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, ý kiến góp ý nhằm đưa hoạt động kinh tế tập thể, HTX ngày càng phát triển.

Đồng chí Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Luật HTX năm 2023, Nghị định 113 là những nội dung, chính sách mới, rất bổ ích, thiết thực và đã có hiệu lực. Với mục tiêu cập nhật thông tin, kiến thức và tổng hợp, tiếp thu các ý kiến kiến nghị, Tọa đàm là cơ hội để các cơ quan quản lý cũng như chủ thể sản xuất kịp thời nắm bắt các điểm mới, đáng lưu ý và áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Để Luật HTX năm 2023 được triển khai hiệu quả, đồng chí Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác đề nghị Liên minh HTX các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành, triển khai các chính sách kịp thời, hiệu quả phù hợp với đặc thù của địa phương, nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể tới các cấp chính quyền, chủ thể sản xuất và Nhân dân. Thu hút nguồn nhân lực trẻ, nhân lực chất lượng cao tham gia vào hệ thống HTX. Rà soát, tư vấn hướng dẫn, cơ cấu, tổ chức lại hoạt động của các HTX; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Đề nghị các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các HTX trong hoạt động sản xuất, quảng bá, xúc tiến, bảo hộ thương hiệu. Kịp thời tiếp thu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các chủ thể, địa phương trong quá trình thực hiện Luật HTX năm 2023 cũng như các văn bản pháp luật trình các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Ngoài ra, các HTX cũng cần chủ động nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, các sản phẩm OCOP... Qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên và người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

Minh Hải - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/pho-bien-phap-luat-va-giai-phap-thuc-hien-cac-chinh-sach-123907.htm