Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM: Cảnh báo, răn đe quan trọng hơn kỷ luật

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đầu tiên là để nhắc nhở, cảnh báo và răn đe, chứ không phải xem việc kỷ luật cán bộ là quan trọng.

Sáng 6/1, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021; sơ kết 3 năm thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Theo Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, trong năm 2020, TP.HCM đã thi hành kỷ luật 7 tổ chức Đảng và 337 đảng viên. Ủy ban kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã xem xét, thi hành kỷ luật Đảng đối với 173 đảng viên, có 58 cấp ủy viên các cấp. Như vậy, năm qua, có hơn 500 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chưa bao giờ quan trọng như lúc này.

Theo ông, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái đã làm suy giảm hình ảnh của Đảng, chính quyền, của cán bộ trong lòng người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ đặc thù của TP.HCM sau 45 năm giải phóng được đánh giá là TP năng động, sáng tạo, có nhiều cách làm mới, hiệu quả. “Vì vậy, ở góc độ nào đó, những người thực thi công việc một thời gian dài ít nhiều có sự chủ quan, khá tự tin với những việc mình làm được, lâu ngày dẫn tới mắc sai phạm; một số người vì nhiều lý do không giữ được mình, đã có sai phạm”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, nếu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thì tự thân mỗi cán bộ, đảng viên sẽ ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với công việc, biết giữ mình hơn và đóng góp cho sự phát triển của TP.

“Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đầu tiên là để nhắc nhở, cảnh báo và răn đe. Đây là việc quan trọng nhất, chứ không phải xem việc kỷ luật cán bộ là quan trọng”, ông Quang nói và đề nghị khi thực hiện nhiệm vụ phải hiểu "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Từ đó, ông đề nghị cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát...phải xem xét ai cố tình sai phạm thì xử lý nghiêm; còn sai phạm nếu là tai nạn, do hoàn cảnh lịch sử cụ thể, do cơ chế chính sách thì phải xem xét thấu đáo trong xử lý.

Ông cũng đề nghị phải chuẩn mực, khách quan trong việc nhận xét, đánh giá và kết luận trong công tác kiểm tra, giám sát. “Không lên gân, không nói quá, nhưng cũng không bỏ lọt sai phạm và làm quá những việc không đáng có”, ông Quang đề nghị.

Ông Quang cho rằng, bản thân cán bộ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cũng có khả năng mắc sai phạm. Từ đó, ông mong những người làm công tác này phải mẫu mực, là tấm gương đạo đức, có kiến thức để chứng minh sai phạm một cách khoa học. Bên cạnh đó, phải tích cực lắng nghe, khắc phục những hạn chế.

Để nhắc nhở, ông Quang dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “phải tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng”.

Đồng thời, ông yêu cầu phải quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra sau khi ban hành.

"Cần cầu thị khắc phục việc kết luận kiểm tra, thanh tra hết thời hiệu do chậm xử lý. Không để việc không đồng bộ giữa kỷ luật đảng và kỷ luật chính quyền", lời ông Quang.

Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, năm 2021 là năm khởi đầu, tạo đà cho cả nhiệm kỳ. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng nhân lực trẻ cho ngành kiểm tra.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đánh giá Quy định 1374/2017 (về tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố giác…) là công cụ hiệu quả, giúp lắng nghe được những thông tin từ nhân dân phản ánh về cán bộ, đảng viên; quy định này có tác dụng răn đe rất lớn.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-canh-bao-ran-de-quan-trong-hon-ky-luat-703356.html