Phê bình văn chương bây giờ giống quảng cáo thực phẩm chức năng
Nhà thơ Vũ Quần Phương từng hành nghề bác sĩ mười năm trước khi chuyển hẳn sang văn chương. Bước vào tuổi 80 nhưng xem ra sức làm, sức nghĩ của ông vẫn bền bỉ, mạnh mẽ. Ông giữ nguyên cách nói chuyện hài hước, thâm thúy cùng lối tư duy sắc sảo và kiến thức uyên bác. Không chỉ là nhà thơ nổi tiếng với nhiều giải thưởng văn học uy tín (trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007), ông còn là người nói chuyện thơ và viết phẩm bình văn chương hấp dẫn. Chúng tôi tìm gặp ông tại nhà riêng với câu hỏi: Văn chương đương đại đang ở đâu, đang đi lên hay đi xuống?
Nhà thơ Vũ Quần Phương từng hành nghề bác sĩ mười năm trước khi chuyển hẳn sang văn chương. Bước vào tuổi 80 nhưng xem ra sức làm, sức nghĩ của ông vẫn bền bỉ, mạnh mẽ. Ông giữ nguyên cách nói chuyện hài hước, thâm thúy cùng lối tư duy sắc sảo và kiến thức uyên bác. Không chỉ là nhà thơ nổi tiếng với nhiều giải thưởng văn học uy tín (trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007), ông còn là người nói chuyện thơ và viết phẩm bình văn chương hấp dẫn. Chúng tôi tìm gặp ông tại nhà riêng với câu hỏi: Văn chương đương đại đang ở đâu, đang đi lên hay đi xuống?
Nhà thơ Vũ Quần Phương (VQP): Trước kia nhận được câu hỏi này, tôi bảo nó đang đi ngang, đấy là nói cho người nghe đỡ mếch lòng. Còn bây giờ thì phải thẳng thắn rằng, văn chương của ta đang chững lại, thậm chí đang đi giật lùi.
Nhà thơ Hữu Việt (HV): Cụ thể như thế nào, thưa ông?
VQP: Tôi cứ lấy thí dụ qua thơ nhé. Bây giờ, ra ngõ là gặp thi sĩ. Các thi huynh, thi hữu ông nọ chắp tay chào ông kia đầy đủ cả. Nhưng thử hỏi có mấy người nghe thơ, đọc thơ của nhau? Dự các đêm thơ, thấy ai cũng lẩm nhẩm bài thơ đến lượt mình sẽ đọc, chứ không nghe người ở trên sân khấu đang đọc cái gì... CLB thơ ngày càng nhiều, nhưng nhà thơ đích thực thì ngày càng ít; các tập thơ xuất bản nhiều, nhưng tác giả mới xuất hiện rất ít.
HV: Vì sao có tình trạng này?
VQP: Vì nhiều người bây giờ thích làm tác giả chứ không muốn làm độc giả. Thích làm tác giả, vì họ nghĩ làm thơ sẽ dễ nổi tiếng. Ngày trước in một quyển sách thì đã là nhà thơ rồi, chứ bây giờ in ba, bốn quyển cũng chưa là gì cả, bỏ tiền ra là in được thôi. Thế nên mới có những người viết nghiệp dư mà đã in hàng chục đầu sách, tham gia bốn, năm câu lạc bộ, chức danh in kín cả tấm danh thiếp. Tôi có người quen, vào tuổi hưu ông đâm ra mê thơ. Một lần tôi tới thăm, ông phấn khởi khoe, từ TP Hồ Chí Minh vừa báo ra, thơ của ông được in trong tuyển cùng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Tôi cảnh giác hỏi, có phải nộp tiền in thơ không; ông ấy trả lời: không, họ nói thơ tôi hay nên tuyển thôi. Mấy tháng sau gặp lại, ông bảo tôi, sách in xong rồi, nhưng muốn mua sách (mười cuốn trở lên) thì phải đóng tiền. Bìa cứng ngần này, bìa mềm ngần này...! Gần đây ông bắt đầu chán, vì tưởng được in thơ thế sẽ thành thế nào, hóa ra vẫn thế, chưa kể suốt ngày bị vợ kêu ca, phàn nàn. "Tôi nghỉ chơi rồi"!
HV: Dưới góc độ xã hội học thì cái danh thường nhiều người thích, nhưng ngày xưa muốn có danh, người ta phải "lập danh" rất vất vả. Để "thành danh" mà không muốn bỏ mồ hôi, công sức, hoặc muốn cái danh vượt quá năng lực bản thân thì sẽ thành... háo danh.
VQP:Có thể thấy hiện tượng người viết nghiệp dư bây giờ phát triển rất đông, khi sách in ra, hào phóng chúc tụng nhau trên mạng không thiếu mỹ từ nào. Đây chính là cái bệnh anh vừa nói đấy. Tôi nghe nói có người còn đề nghị công nhận nước ta là "thi quốc", phong thơ lục bát là "quốc thi"!
Cái điện thoại ta đang dùng, dẫu là hàng thứ phẩm vẫn có người mua vì nó rẻ và còn gọi được, chứ văn chương nghệ thuật đã dùng phải lấy cái tốt, cái tối ưu ngay. Cùng đọc một quyển sách, mất ngần ấy thời giờ, tôi phải tìm đọc quyển hay luôn chứ! Nghệ thuật thứ phẩm thì không có người mua đâu. Cho nên nghệ thuật thì phải là cái khác thường, cho dù đôi khi nó ẩn trong cái bình thường. Anh Ma Văn Kháng viết về mấy bà quét đường buổi trưa nằm nghỉ dưới tán cây me, nói chuyện chồng con, là chuyện bình thường, nhưng ông tìm ra những chi tiết nói lên cả bức tranh xã hội ngày hôm nay thì nó lại trở nên khác thường.
HV: Việc sách văn học in ra chất lượng phập phù, ranh giới giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp bị nhòe mờ, lẫn lộn, phải chăng do công tác lý luận phê bình văn học bây giờ quá yếu?
VQP:Tôi phải nói ngay, việc phê bình ở ta đang rất đáng báo động rồi đấy! Không chỉ văn chương đâu mà việc thẩm định, đánh giá giá trị ở nhiều ngành, nghề cũng đều có sai lệch đáng kể. Cách bình thơ bây giờ trên một số tờ báo đang làm hỏng gu thơ, chủ yếu là tóm tắt nội dung, diễn đạt bài thơ thành văn xuôi. Còn phê bình, giới thiệu sách thì hầu hết là khen, khen cả những cái tác giả không có! Dẫn tới phê bình học thuật là thiểu số, phê bình "thân hữu" trở thành đa số. Cách phê bình văn chương bây giờ rất giống với quảng cáo thực phẩm chức năng. Nó được mô tả như một thứ thần dược, nhưng riêng câu cần phải nói thì người ta lướt qua rất nhanh: "đây không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh..." giọng đọc nhỏ và nhanh, khó mà nghe ra.
HV: Quan hệ văn chương ở thế hệ các ông như thế nào? Có tình trạng "thân hữu" như thế không? Và mối quan hệ nào ông thấy tri kỷ, tâm đắc nhất?
VQP: Chúng tôi rất trọng những người đi trước, rất quý các đàn anh và cũng may mắn được tiếp cận với thế hệ Thơ mới có nhiều người tài danh. Hồi ấy nghe các anh nói với nhau chuyện nghề, đều như sấm trạng Trình ấy. Gặp nhau thường khoe: hôm nay đến gặp anh Xuân Diệu nói thế này, anh Chế Lan Viên nói thế này... Nhà thơ Trúc Cương đi đâu cũng khoe câu thơ được Xuân Diệu chữa. Nguyên văn Trúc Cương viết: Đêm nay biển vắng/Chỉ có trăng mờ/Trăng nằm trên cát/Trăng đang nằm mơ... Xuân Diệu sửa lại: Trăng nằm trên cát/Cát đang nằm mơ..., chỉ một chữ thôi mà câu thơ có lớp nọ lớp kia ngay.
Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Xuân Diệu vào năm 1963, ngày hội trường Chu Văn An (là trường mà ông và tôi cùng từng học). Ông mời tôi ghé chơi nhà, dặn chép dăm bài thơ đưa cho ông đọc. Lần ấy tôi nộp 20 bài, ông nói "sao chép nhiều thế, anh bảo dăm bài thôi mà". Tôi lúng túng: hay để em về chép lại. Ông bảo, thôi đã chép rồi thì cứ để đấy, hôm nay chỉ ngồi nói chuyện, chưa đọc thơ vội, tuần sau em quay lại đây, ta sẽ làm việc trong một giờ. Đúng hẹn tôi đến, bấy giờ ông mới đi tìm bản thảo lần lượt giở ra xem. Đến bài Trên đài quan trắc khí tượng, ông khen hay, nhưng cau mày đọc: Em bé nhà ai/U ơ trở giấc/Theo gió đêm về/Vọng đến đài tôi. Sao lại em bé theo gió đêm về, thế thì nó là ma à? Câu thơ ông chê rất đúng, tôi lúng túng chưa biết sửa thế nào. Ông cầm bút gạch chữ "em bé" đi, sửa thành: Tiếng trẻ nhà ai/U ơ trở giấc... Ông nhắc: cậu nghe thấy "tiếng trẻ" thì nghĩ đến "em bé" mà quên mất âm thanh mới theo gió đêm về được chứ. Tôi tâm phục khẩu phục. Ông chỉ cho tôi biết, làm thơ phải viết thật chính xác nghĩa. Người ta nghĩ ra dấu chấm, phẩy đều có lý cả, chứ bây giờ các cậu cứ viết liền tù tì rồi bảo đó cách tân. Cách thế thì ai chẳng cách được, bỏ mấy cái dấu là thành nhà cách tân sao?
HV: Phải chăng phê bình văn chương bây giờ phải theo cách ấy? Nó vừa tâm tình, thẳng thắn, vừa chỉ đến nơi đến chốn về mặt nghề nghiệp chứ không ve vuốt tác giả, cũng không khoe khoang kiến thức của mình... Thế còn mối quan hệ văn chương giữa những người cùng thế hệ với ông như thế nào?
VQP: Thế hệ bọn tôi, anh em mến nhau. Mỗi người một nơi, nhưng đọc được một bài thơ của nhau đã coi là quen rồi. Khi gặp thì ríu rít nói chuyện, như thân quen từ lâu. Ngày ấy chuyện vào hội hay không, không quan trọng đâu, vì đa phần chúng tôi đều chưa vào hội, nhưng vẫn đến hội sinh hoạt như hội viên. Với nhau, chúng tôi hay nói thật. Tôi chơi thân với anh Trúc Thông cũng vì cái tính nói thật ấy. Trúc Thông có nhược điểm và cũng là ưu điểm: anh thẳng thắn "chê" những bài thơ mà anh cho là không hay, dù tác giả là người nổi tiếng đến đâu cũng thế. Nhưng anh cũng là nhà thơ có bản lĩnh thật sự để tìm tòi, đổi mới; thơ anh có chất riêng, và ngay cả trong sự "huênh hoang" của mình anh cũng rất chừng mực văn hóa...
HV: Thưa ông, quay trở lại chủ đề ban đầu của cuộc trò chuyện này. Tóm lại thì văn học của ta hiện nay đang tiến hay lùi?
VQP: Xin tóm tắt một câu: hiện nay chúng ta nước lội thì có mà nước uống thì không, hoặc nước uống có ít quá. Phát huy bơi lội (phong trào) thì phù hợp, nhưng để uống (tinh túy) thì lại quá thiếu. Như vậy việc quan trọng lúc này là phải tìm cái đích cho thơ phong trào. Làm thơ là mình sống lại điều mình đã sống, sống kỹ hơn những điều đã sống, làm cho tâm hồn mình trong lại, tự kiểm điểm tâm hồn mình còn gì, mất gì, để sống tử tế, lương thiện hơn. Không thể trách người ta yêu thơ, làm thơ. Nhưng phải có cách hạn chế thơ dở xổng ra thị trường văn chương. Hay tăng thuế môi trường cho nhà xuất bản nào in nhiều thơ dở? Khó thật! Đăng một bài thơ, vui vì nó là sản phẩm của mình, còn có nổi tiếng hay không lại là chuyện khác. Nếu in một, hai tập thơ mà trở thành nhân vật đi vào lịch sử thì lịch sử phải nhiều trang lắm...
HV: Ông có hai người con trai đều là hai nhà khoa học nổi tiếng ở tầm quốc tế. Ngày trước, ông có hướng các con làm thơ không?
VQP: Vũ Hà Văn có năng khiếu khái quát đúng và hóm. Chú em Điềm thì hồi sinh viên, hay có thơ hài vịnh bạn bè, nhiều bạn phải "đút lót" để nó đừng đụng đến mình. Tôi định hướng cho cả hai học toán, vì toán có đáp số, đáp số ấy cả thế giới chấp nhận. Chứ văn chương thì... khó.