Phe bảo hoàng Thái Lan đổ lỗi cho nước ngoài về biểu tình

Thay vì nhìn vào tình hình trong nước và vấn đề đã gây ra bất mãn cho người biểu tình, phe bảo hoàng Thái Lan cho rằng có thế lực nước ngoài đứng sau tình trạng bất ổn.

Kinh ngạc trước quy mô của những cuộc biểu tình chống chính phủ và kêu gọi cải cách hoàng gia, người theo chủ nghĩa bảo hoàng Thái Lan nói đang tồn tại âm mưu phá hoại nước này

Họ nói âm mưu do những người sống lưu vong, chống chế độ quân chủ và các nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài đề ra nhằm áp đặt các giá trị phương Tây lên một quốc gia châu Á.

Những người phe bảo hoàng Thái Lan tại lễ tưởng niệm năm thứ 110 ngày băng hà của Vua Rama V. Ảnh: Reuters.

Song, với hàng nghìn người biểu tình trẻ tuổi, các tuyên bố này chỉ là nỗ lực tuyệt vọng của những người bảo hoàng nhằm trốn tránh thực tế.

Từ khi theo chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932, Thái Lan vẫn không giải quyết được câu hỏi ai sẽ là người điều hành nền chính trị của nước này, hoàng gia, các quan chức được bầu hay quân đội.

Kết quả là Thái Lan liên tục trải qua đảo chính, chính phủ dân sự yếu kém và biểu tình. Tình trạng này gây ra sự nghi ngờ và đổ lỗi mà giờ đây đang được tin giả và thông tin sai lệch khuếch đại.

Warong Dechgitvigrom, lãnh đạo của nhóm bảo hoàng Thai Pakdee, cách đây vài tuần viết trên Facebook rằng chế độ quân chủ Thái Lan là mục tiêu của những kẻ có âm mưu. “Có một nhóm người Thái đang âm mưu với người nước ngoài để phá hủy nền tảng của việc là người Thái Lan”.

Trước đó, ông cũng viện dẫn sự ủng hộ của nhà hoạt động Hong Kong Joshua Wong làm bằng chứng. Wong thường xuyên động viên những người biểu tình trẻ tuổi của Thái Lan trên Twitter.

Với Michael Montesano, chuyên gia và điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Thái Lan tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, có lý do đơn giản hơn cho hiện tượng này. “Đổ lỗi tình trạng bất ổn ở Thái Lan cho một bàn tay vô hình nước ngoài dễ hơn là nhìn vào các vấn đề trong nước đã gây ra tình trạng bất ổn đó”.

Joshua Wong và nhà lập pháp Ted Hui tuần hành trước lãnh sự Thái Lan ở Hong Kong thể hiện sự ủng hộ người biểu tình Thái Lan vào ngày 19/10. Ảnh: AFP.

Thông tin sai lệch hoặc nằm ngoài ngữ cảnh - như bức ảnh năm 2016 của cựu đại sứ Mỹ tại Thái Lan Glyn T. Davies gặp lãnh đạo của cuộc biểu tình hiện tại Parit “Penguin” Chiwarak - làm tăng niềm tin rằng có bàn tay nước ngoài đang khuấy đảo chính trường Thái Lan. Cáo buộc cũ này thường nổi lên trong thời điểm căng thẳng chính trị.

Lần này, cáo buộc lại xuất hiện “vì họ đang hết cách để đáp ứng yêu cầu của chúng tôi", Tatthep "Ford" Ruangprapaikitseri, thủ lĩnh 23 tuổi của Free Youth, một trong những nhóm biểu tình chính, nói với This Week in Asia.

Gốc rễ vấn đề

Rất ít người theo chủ nghĩa bảo hoàng nhìn vào trong nước để tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan. Những nguyên nhân đó là chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha không được lòng dân cũng như khoảng cách ngày càng lớn giữa Vua Maha Vajiralongkorn giàu có, quyền lực với các thần dân trẻ tuổi.

Thay vào đó, họ tức giận vì người biểu tình đã chạm vào điều cấm kỵ ở Thái Lan: chỉ trích hoàng gia và kêu gọi cải cách từ gốc tới ngọn trật tự chính trị - xã hội của đất nước này.

“15 năm qua, ngày càng nhiều lời chỉ trích chủ nghĩa bảo hoàng của Thái Lan trên báo chí nước ngoài đã đẩy một số người ở Thái Lan theo hướng bài ngoại”, ông Montesano nói với South China Morning Post.

Điều này khớp với quan điểm rằng Mỹ, đồng minh của Thái Lan, đang tác động đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và cố gắng gây bất ổn cho chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Chính phủ của ông Prayuth trong những năm gần đây đã trở nên thân thiết hơn với Bắc Kinh.

Nghi ngờ về sự can thiệp từ nước ngoài có lịch sử lâu đời ở Thái Lan. Nhiều nhân vật ủng hộ dân chủ của nước này sống lưu vong sau các phiên tòa và cuộc đảo chính, trong đó nổi bật nhất là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: Reuters.

Sự xuất hiện của ông Thaksin vào năm 2001 đã làm rung chuyển chính trường. Song, vị tỷ phú này sống ở London và Dubai trong 12 năm qua để tránh bị kết án tham nhũng ở Thái Lan sau cuộc đảo chính khiến ông mất quyền lực năm 2006.

Ông Thaksin vẫn là thủ tướng được bầu duy nhất của Thái Lan hoàn thành hết nhiệm kỳ. Cựu thủ tướng đã chỉ đạo phe đối lập chính của Thái Lan từ nước ngoài, bổ nhiệm thành viên gia đình vào vai trò hàng đầu và tập hợp các thành viên chủ chốt trong mạng lưới chính trị của ông - vốn vẫn thống trị phong trào ủng hộ dân chủ - để họp.

Em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014. Đây là sự kiện đưa Thủ tướng Prayuth, lúc đó đang là tư lệnh lục quân, lên nắm quyền. Năm ngoái, ông Prayuth được bầu trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở Thái Lan từ sau cuộc đảo chính. Tuy nhiên, các đối thủ của ông nói cuộc bầu cử bị thao túng.

Song, không thể đổ lỗi cho ông Thaksin về các cuộc biểu tình năm nay vì đoàn người do những thanh niên Thái Lan không thuộc phe cựu thủ tướng dẫn đầu. Thay vào đó, một loạt những nhân vật lưu vong khác bị chĩa mũi dùi vì hoạt động tích cực trên mạng xã hội.

Những người này bao gồm Somsak Jeamteerasakul, cựu giảng viên lịch sử, và Pavin Chachavalpongpun, học giả và nhà ngoại giao thời ông Thaksin. Trang Facebook châm biếm hoàng gia và chính phủ "Royal Marketplace" của ông Pavin đã thu hút 1,9 triệu lượt theo dõi.

Quan hệ với Trung Quốc

Khi các cuộc biểu tình trở thành mối đe dọa với chính phủ, cảnh sát chống bạo động đã được triển khai trên đường phố của Bangkok. Thủ tướng Prayuth đã yêu cầu cảnh sát phải mạnh tay hơn với những người biểu tình.

Tuy nhiên, không giống các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm ngoái, vẫn chưa có quốc gia nào lên án các hành động của cảnh sát ở Thái Lan - nơi phong trào ủng hộ dân chủ thường kết thúc bằng những cuộc đổ máu.

“Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, thông qua đại sứ quán ở Bangkok, tập trung nhiều vào lợi ích thương mại hơn là các giá trị dân chủ”, Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, cho biết.

Thái Lan là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, sự va chạm của các giá trị cũng đang làm thay đổi quan hệ ngoại giao.

Những người lớn tuổi theo chủ nghĩa bảo hoàng khẳng định Thái Lan là quốc gia độc nhất - có ba trụ cột cốt lõi là quốc gia, tôn giáo và hoàng gia. Vì vậy, Thái Lan không phù hợp với nền dân chủ kiểu phương Tây và do đó cần quân đội quản lý chính trị.

Thanh niên trẻ tuổi muốn quân đội ra khỏi chính trường và điều chỉnh lại mối quan hệ của đất nước với hoàng gia, đặt quyền lực của nhà vua trong giới hạn hiến pháp quy định.

Trong lúc đó, Trung Quốc có quan hệ hợp tác không điều kiện với Thái Lan. Trung Quốc đã đầu tư vào các cảng, đường sắt và đường bộ của Thái Lan theo sáng kiến "Vành đai, Con đường" bất chấp mọi bất ổn chính trị nội bộ.

Cảnh sát xô xát với người biểu tình chống chính phủ khi họ cản trở đoàn xe của Hoàng hậu Suthida vào ngày 14/10. Ảnh: Reuters.

Bắc Kinh cũng chống lại Liên minh Trà sữa - liên minh giữa các phong trào ủng hộ dân chủ do thanh niên lãnh đạo ở Hong Kong, Đài Loan và Thái Lan.

Trong khi các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ theo dõi sát sao bối cảnh chính trị đang thay đổi của một đối tác chiến lược sau nhiều năm Thái Lan rời xa ảnh hưởng của Mỹ. Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, nói chính phủ Trung Quốc “không thực sự quan tâm nhiều đến các cuộc biểu tình ở Thái Lan”.

“Quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc luôn ổn định và bền chặt, một phần là do những thách thức mà Thái Lan gặp phải trong quan hệ với Mỹ những năm gần đây", Li Mingjiang, điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết. "Có một số quan điểm tiêu cực về Trung Quốc trong xã hội Thái Lan, nhưng cơ bản chúng không làm suy yếu quan hệ nước này với Trung Quốc".

Đông A
Theo South China Morning Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phe-bao-hoang-thai-lan-do-loi-cho-nuoc-ngoai-ve-bieu-tinh-post1145511.html