Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao bám sát 4 Nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị

Sáng 7/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì cuộc họp Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao'.

Tham dự cuộc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng Đoàn giám sát cùng các thành viên của Đoàn giám sát.

Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao đã phát huy hiệu quả

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” cho thấy, chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định trong giai đoạn giám sát. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Đoàn Giám sát cho rằng, trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực. Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỉ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu. Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm trên 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với hệ thống trường chuyên, các chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân tài năng, chương trình hợp tác đào tạo và đào tạo có yếu tố nước ngoài... Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các Bộ, ngành, địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Cơ cấu, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao còn chưa hợp lý

Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề cũng cho thấy, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn,... Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn.

Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao. Một bộ phận nhà giáo còn hạn chế về năng lực, kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn. Việc chuyển giao, nhân rộng các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Kết quả phân luồng giáo dục đạt thấp so với mục tiêu. Công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa thực sự hiệu quả.

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc họp

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự cuộc họp

Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, song còn chậm. Tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao. Việc phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối, tập trung ở các đô thị lớn. Chất lượng lao động tuy có cải thiện nhưng tốc độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực ở khu vực công, nhất là trong đơn vị sự nghiệp công lập còn có một số bất cập. Cơ chế đánh giá cán bộ chưa thực chất, tính định lượng chưa cao, chưa gắn với sản phẩm công việc cụ thể; thiếu cơ chế sàng lọc hiệu quả, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, uy tín thấp. Đối với lao động khu vực ngoài công lập, công tác quản lý người lao động còn hạn chế, hệ thống thông tin thị trường lao động chậm được cập nhật, chưa được kết nối, chia sẻ thông tin. Dịch vụ việc làm ở khu vực tư nhân, trên môi trường mạng chưa được quản lý chặt chẽ.

Cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới. Chính sách tuyển dụng, thu nhập, tạo môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn. Cơ cấu, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hợp lý. Đang thiếu hụt chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư trong các lĩnh vực quan trọng, nhất là công nghệ mới, công nghệ cao, có đủ năng lực dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá.

Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cần bám sát với 4 Nghị quyết trụ cột

Tại cuộc họp, các thành viên của Đoàn giám sát đã đóng góp ý kiến vào Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024; dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Theo đó, để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực, dự báo về nguồn nhân lực và đề xuất chính sách, lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ đạo các cơ quan triển khai chương trình truyền thông mạnh mẽ để thay đổi nhận thức xã hội, nhấn mạnh giá trị của phát triển nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng thực tiễn.

Một số thành viên Đoàn giám sát cho rằng, cần có sự gắn kết chặt chẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong theo dõi, dự báo, quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là đẩy mạnh triển khai hiệu quả hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành các cơ sở dữ liệu về lao động, quản lý lao động khu vực công và tư gắn kết, liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ việc hoạch định chính sách về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng đóng góp ý kiến

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng đóng góp ý kiến

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cần bám sát với 4 Nghị quyết trụ cột được Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây. Đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, các trường đại học khi đào tạo cần đáp ứng yêu cầu, nhu cầu tuyển dụng của khối kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành nghề còn nhiều. Nguyên nhân là do việc đào tạo còn chưa gắn liền với thực tế sử dụng lao động. Chương trình giảng dạy ở cấp đại học còn chưa gắn liền giữa lý thuyết với thực hành. Chất lượng giảng dạy của giảng viên cơ hữu vẫn còn yếu. Cơ sở vật chất để sinh viên thực hành còn hạn chế...

Để tạo phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế trên; đồng thời phải có dự báo về ngành nghề, nguồn nhân lực đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng trên thị trường. Bên cạnh đó, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay cần bám sát yêu cầu của 4 Nghị quyết trụ cột được Bộ Chính trị ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận cuộc họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát. Trong đó, các thành viên nhấn mạnh đến việc chú trọng rà soát các nội dung liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải bám sát, đáp ứng yêu cầu của 4 Nghị quyết trụ cột được Bộ Chính trị ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng yêu cầu Tổ giúp việc của Đoàn giám sát ghi chép đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các thành viên Đoàn giám sát; hoàn thiện Báo cáo và dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét trong Phiên họp tháng 7/2025.

Một số hình ảnh tại cuộc họp:

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Các thành viên Đoàn giám sát và khách mời tham dự tham dự cuộc họp

Các thành viên Đoàn giám sát và khách mời tham dự tham dự cuộc họp

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Bùi Thị Quỳnh Thơ

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Bùi Thị Quỳnh Thơ

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Minh Nam

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Minh Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận cuộc họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận cuộc họp.

Bích Lan - Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94958