Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Cần thay đổi cách thức đào tạo

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để tăng năng suất lao động, nhưng sẽ rất khó thành công nếu không có những chính sách đồng bộ để cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy thiếu và yếu. Đặc biệt, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo còn chưa mạnh mẽ.

Công tác đào tạo cần đi trước

Nói về nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Bùi Sỹ Lợi Phó – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, nhân cách, tay nghề, năng lực vượt trội và có thực tế để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ảnh minh họa

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam từng trải qua giai đoạn mở cửa, trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Trong giai đoạn này, phần lớn lao động không thể đào tạo bài bản, đưa vào sử dụng ngay để giải quyết vấn đề việc làm. Đó từng là hướng đi tốt. Tuy nhiên, đến nay, trong quá trình hội nhập cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, đòi hỏi lao động Việt Nam cần có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để làm được điều này, cần phải đánh giá, nhìn nhận phù hợp với nhu cầu thị trường lao động từng thời kỳ. Hiện nay, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thay đổi cách thức đào tạo, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, thu gọn đầu mối, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, trang bị trang thiết bị học tập đầy đủ cho học sinh, sinh viên. Trong đó, đẩy mạnh đào tạo song song cả ở nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay. Các trường nghề cần đi trước, đón đầu xu hướng của xã hội.

Theo quan điểm của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng, không phải nhân lực trình độ cao thì chất lượng sẽ cao. Trên thực tế, có những lao động, học sinh, sinh viên được đào tạo một cách bài bản trong hệ thống trung cấp, cao đẳng có kiến thức kỹ năng và năng lực tốt cũng có thể coi đây là một nguồn nhân lực chất lượng cao. “Không riêng những người có trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ mới là nhân lực có chất lượng cao. Nếu được đào tạo bài bản, có kiến thức, kỹ năng làm việc tốt cũng được coi là nhân lực có chất lượng cao”, ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, Việt Nam hiện có trên 55 triệu người trong độ tuổi lao động, đa số là lao động trẻ. Đây là cơ hội Việt Nam cần tận dụng để bứt phá trong phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, trình độ lao động Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ 23% trong số này đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ. Con số này so với tương quan của các quốc gia trong khu vực vẫn còn khá thấp, khó tạo ra năng suất lao động tiệm cận với các nước phát triển. Đây là hạn chế, khoảng cách lớn nhất so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, Việt Nam hiện đang có những tín hiệu khả quan trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chỉ số đào tạo nghề năm 2019 của Việt Nam đã tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng trong Báo cáo cạnh tranh năng lực toàn cầu và là một trong các quốc gia có chỉ số tăng chất lượng đào tạo nghề rất tốt, từ đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của quốc gia. “Chính phủ đang tiếp tục rà soát các hệ thống cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhưng muốn đào tạo nhân lực có chất lượng thì cần có nguồn lực rất lớn. Hiện nay, chi phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đều rất lớn. Ví dụ như Việt Nam, các trường nghề cấp tỉnh được đầu tư 40 tỷ đồng, cấp thành phố 400 tỷ đồng. Với các nước trên thế giới, để mở một trường nghề phải mất tới 400 triệu USD. Song trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường là giải pháp cần tập trung”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhà trường với doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ

Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đến khả năng huy động, sử dụng có hiệu quả các loại nguồn lực khác, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố mang tính quyết định để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15/1/2019 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỉ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động của cả nước.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, có tay nghề trở nên cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp. Để giải bài toán này, các doanh nghiệp nên chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo, tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo và chiêu mộ nguồn nhân lực với sự đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Đặc biệt là việc chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, có cơ hội phát triển nghề nghiệp để có lực lượng lao động có tay nghề cao và kỷ luật làm việc tốt. Qua đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn nhân lực theo yêu cầu của riêng mình.

Vấn đề bất cập hiện nay là việc tiếp nhận những lao động trẻ vào làm việc, phần lớn các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại, kể cả những người đã học đúng chuyên ngành cần tuyển dụng. Do phần lớn chất lượng đào tạo nghề của các trường nghề chưa cao, không theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Song song với việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc phối hợp với các trường đại học để mở các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động để phù hợp và làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động và thu nhập... Cùng với đó, các trường nghề nên rút ngắn thời gian học lý thuyết và phải tăng thời gian thực hành để khi vào làm việc doanh nghiệp không phải mất công đào tạo lại.

“Khi người lao động có tay nghề tốt, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, sẽ có mức lương ổn định ngay từ đầu chứ không phải mất thêm thời gian 3 đến 6 tháng để thử việc và phải hưởng mức lương 70%. Đồng thời, doanh nghiệp cũng không phải mất thời gian để kèm cặp và đào tạo lại lao động, điều này sẽ làm giảm chi phí cho doanh nghiệp và người lao động”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

H.Phong

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-can-thay-doi-cach-thuc-dao-tao-104473.html