Phát triển nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

THS. PHÙNG THỊ HIỀN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong thực tế, hiện nay trên thế giới đã hình thành hàng triệu công ty chia sẻ tài sản lớn như: Airbnb, RelayRides, DogVacay, LiquidSpace… Các công ty này sử dụng công nghệ điện thoại, GPS, 3G, thanh toán online khiến cho mô hình nền kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian. Mô hình này đã xâm nhập vào Việt Nam như Uber, Grab,... Bài viết này sẽ bàn về phát triển nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thông qua các kinh nghiệm của các nước trên thế giới, và đề cập đến những khó khăn khi áp dụng mô hình này ở Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế chia sẻ, quốc tế…

1. Kinh nghiệm áp dụng những mô hình nền kinh tế chia sẻ tại các nước trên thế giới

Sự thành công trong việc đưa kinh tế chia sẻ vào trong từng quốc gia được góp phần từ văn hóa chia sẻ của nước ngoài cũng như cơ sở hạ tầng có nhiều điều kiện thuận lợi như ứng dụng CNTT khá phổ biến trên các thiết bị điện tử, tỉ lệ tội phạm thấp, hệ thống quản lý pháp luật chặt chẽ của chính phủ… Đó cũng là lý do mô hình kinh tế chia sẻ dù đã phát triển khá lâu tại Mỹ nhưng lại chưa phổ biến và được ưa chuộng tại các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) nói riêng ở nhiều nước châu Á vốn có hệ thống quản lý luật pháp, xã hội chưa được tốt như Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã có khá nhiều start up khai thác mô hình này tại nhiều quốc gia. Cụ thể:

Tại Singapore

Với mật độ dân số cao và sự phát triển của các startup công nghệ, Singapore là một trung tâm để thử nghiệm và cải tiến các ý tưởng mô hình kinh tế chia sẻ. iCarsClub, một ứng dụng chia sẻ xe hơi theo địa điểm, vào đầu tháng 6/2015 đã tăng lợi nhuận thêm 10 triệu USD trong vòng đầu tư series A, chỉ sau hai năm bắt đầu hoạt động tại Singapore và gần một năm sau khi mở rộng sang Trung Quốc dưới cái tên PPZuche.

Một startup đầy hứa hẹn khác là Roomorama, cung cấp dịch vụ thuê nhà chung như Airbnb. Với gốc là từ New York, Roomorama với 2,1 triệu trong quỹ đầu tư mạo hiểm, đã xâm nhập vào thị trường châu Âu và châu Mỹ bằng việc thu mua một startup có mô hình tương tự tại Pháp.

Tại Philippines

Tripid đã đưa việc đi chung xe lên tầm cao mới bằng cách chuyển người dùng của mình thành một cộng đồng các tài xế và hành khách. Họ có thể lựa chọn người đồng hành cùng chia sẻ chuyến đi của mình để tiết kiệm chi phí, hoặc chọn trở thành tài xế cho người khác để kiểm thêm tiền xăng xe và các chi phí khác cho chuyến đi của bản thân.

Ngoài ra, còn có Magpalitan.com, tạo điều kiện cho việc cho thuê và đổi các vật dụng cá nhân từ đồ đạc, quần áo đến xe cộ, cũng như các dịch vụ giữ trẻ và sửa chữa bảo trì máy tính…

Tại Malaysia

PlateCuluture cho phép người dùng tìm kiếm người không quen biết dùng chung bữa tối nấu tại nhà. Chủ nhà chỉ phải giới thiệu đồ dùng nhà bếp và các món trong bữa tối của mình lên trang web. PlateCuluture đi theo thành công của các trang web rất nổi tiếng ở Mỹ như Meal Sharing.

MyTeksi là một startup đang phát triển, được truyền cảm hứng từ những ý tưởng ứng dụng đi chung như Uber. Startup này đã nhận được 15 triệu USD đầu từ từ quỹ đầu tư GGV của thung lũng Silicon và dùng số tiền đầu tư để tiếp tục mở rộng thị trường. Cho đến nay, MyTeksi đang hoạt động tại Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, với hơn 20.000 tài xế hoạt động ổn định. Những đối thủ khác của MyTeksi bao gồm TaxiMonger, Grab… cũng đang ra mắt dịch vụ ở Singapore và Malaysia.

Các công ty toàn cầu đang xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á

Trong khi kinh tế chia sẻ tại châu Á chỉ mới bắt rễ hình thành thì những thương hiệu thành công toàn cầu đã và đang để ý đến khu vực Đông Nam Á như một thị trường đầy hấp dẫn và tiềm năng. Uber đã có mặt tại Việt Nam và Inđônêxia.

Bên cạnh đó, có Withlocals, là một startup của Hà Lan, nhưng tập trung vào việc kết nối người châu Á với những khách du lịch quốc tế với mục tiêu tạo ra những trải nghiệm như người bản địa tại các quốc gia ở châu Á.

Airbnb đang nhanh chóng mở rộng sang các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Dịch vụ tìm "Khu lân cận" của Airbnb đang có mặt tại Bangkok, cho phép du khách tìm kiếm các địa điểm hấp dẫn tại thành phố và sau đó chọn những phòng cho thuê gần các điểm này.

Rocket Internet cũng đang chạy một dịch vụ cho thuê phòng tương tự gọi là Wimdu, cung cấp nơi tạm trú ở các nước từ Indonesia đến Philiphines.

2. Những khó khăn áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào Việt Nam

Sự phát triển của mô hình nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam sẽ giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn tốt hơn và rẻ hơn, giúp cho thị trường có động lực đổi mới phát triển nhưng cũng kèm theo một số vấn đề về pháp lý và lo ngại các rủi ro tiềm ẩn về an toàn xã hội và cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể như sau:

Một là, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, từ đó gây ra khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế. Bên cạnh đó, khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện chưa có các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh “chia sẻ”. Luật Công nghệ thông tin chưa có quy định đối với các cá nhân hay tổ chức nước ngoài có hợp tác, kinh doanh không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đặc biệt, hiện tại vẫn còn những khoảng trống pháp lý với loại hình kinh tế này. Còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể; thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng; thiếu cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới và thiếu quy định về an toàn thông tin. Còn thiếu các cơ chế/chưa hoàn thiện chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Hai là, tạo sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Điều này đến từ việc đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam. Từ đó gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nó tạo ra khoảng trống về nghĩa vụ thuế của các loại công ty này trong kinh tế chia sẻ diễn ra tại Việt Nam cần được khắc phục.

Ba là, doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam còn gặp khó khăn về kê khai thuế. Lý do là hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và các cơ quan thuế lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế. Chẳng hạn, hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, start-up Log Lag đang gặp vấn đề về kê khai thuế do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này. Vì thế, Log Lag phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo doanh nghiệp vận tải, doanh thu phải hạch toán theo tổng giá trị giao dịch của chuyến hàng, với con số lớn hơn nhiều so với mức phí mà doanh nghiệp thực thu trong vai trò kết nối. Nếu được thực hiện theo cơ chế thử nghiệm chính sách, công ty này kỳ vọng sẽ giảm thiểu rủi ro về dòng tiền.

Bốn là, rủi ro thất thu thuế đối với loại hình kinh tế chia sẻ. Bởi các loại hình này áp dụng công nghệ kinh doanh trên mạng nên rất khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định doanh thu của cơ sở để nộp thuế do các giao dịch của họ chủ yếu là các văn bản điện tử. Vì thế, phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Đối với nhà cung cấp dịch vụ trung gian là các nhà thầu nước ngoài, cơ quan quản lý cũng khó kiểm tra, giám sát và thu thuế của họ. Bởi họ không đặt văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam. Việc quy định trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong nước có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài cũng khó khả thi bởi vì Việt Nam đã tham gia và ký kết 76 Hiệp định về tránh đánh thuế 2 lần nên các quy định về nộp thuế sẽ tuân thủ theo quy định tại các hiệp định này. Thậm chí đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) còn có rủi ro về thuế và quản lý ngoại hối do trường hợp người tham gia giao dịch là người không cư trú, điều này sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lý ngoại hối và thu thuế. Hoặc nếu người tham gia cố tình lừa đảo, ẩn danh, mạo danh thì có thể không có khả năng truy thu thuế thu nhập.

Nói chung sự nở rộ của dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ nói chung và nền kinh tế chia sẻ nói riêng tại Việt Nam cũng đang cho thấy mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng, thất thu thuế. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn, thì lối mòn về những cuộc biểu tình phản đối Uber hay làn sóng tiền ẩn phản đối kinh tế chia sẻ giống như nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra tại Việt Nam

3. Giải pháp

Từ những khó khăn trên, để phát triển nền kinh tế chia sẻ bền vững tại Việt Nam, bài viết đề xuất một số gợi ý sau:

Thứ nhất, từ góc độ quản lý vĩ mô của cơ quan nhà nước, chúng ta cần thừa nhận rằng đây là một mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và mang tính sáng tạo của thời đại 4.0. Nên việc cần làm là tiếp cận các mô hình này như là một chủ thể kinh doanh của nền kinh tế và nghiên cứu, thử nghiệm và đưa ra hành lang pháp lý phù hợp với tình hình Việt Nam và luật pháp Việt Nam cũng như các công ước quốc tế. Trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các mô hình này trong nước và quốc tế đều có cơ hội phát triển như nhau có lợi nhất cho quốc gia và toàn xã hội.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành Luật điều chỉnh và quản lý đối với kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, vừa đảm bảo môi trường thuận lợi cho nó phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Không chỉ vậy, hành lang pháp lý còn giúp Chính phủ Việt Nam kiểm soát được khoản thuế từ các công ty cung ứng dịch vụ và “người chia sẻ tài sản” - đây được coi là nguồn thuế lớn mà nhiều quốc gia đã không thể kiểm soát được.

Thứ hai, đối với các chủ thể muốn khởi nghiệp với mô hình kinh tế chia sẻ, cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung, đào tạo nhân lực và xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu. Trong đó, việc đào tạo nhân lực đóng vai trò quan trọng, có thể quyết định tới sự thành - bại của doanh nghiệp. Ngay từ khâu đầu tiên là kiểm tra hồ sơ cá nhân phải được thực hiện chặt chẽ. Các công ty trong nền kinh tế chia sẻ có thể xây dựng các khóa đào tạo trực tuyến và kiểm tra bằng bài thi. Cá nhân được chấp thuận sẽ được trang bị tài liệu cầm tay hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ. Một nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp chính là cách để doanh nghiệp xây dựng được niềm tin với khách hàng và tạo dựng được thương hiệu cho mình.

Thứ ba, cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến, cả về số lượng và chất lượng, bởi, đặc thù cơ bản của kinh doanh chia sẻ chính là các giao dịch thông qua mạng lưới trực tuyến. Khi chưa có sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam thì sẽ không thể có một nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh doanh chia sẻ.

Thứ tư, Bộ Tài chính cần tổ chức tuyên truyền pháp luật về thuế trên các nền tảng thương mại điện tử như liên kết đường link các website về quản lý thuế trên các trang thương mại điện tử,... Đồng thời, việc quản lý thuế đối với những nền tảng thương mại điện tử ở nước ngoài là “vấn đề rất khó”. Theo kinh nghiệm quốc tế, cần có sự hợp tác giữa các nước hoặc tham gia vào các diễn đàn quản lý thuế hoặc sáng lập các diễn đàn quản lý thuế trong khu vực... để thống nhất các thỏa thuận về cung cấp, chia sẻ thông tin,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018): Báo cáo Đề án mô hình kinh tế chia sẻ.
Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ.
Wallenstein J. và Shelat U. (2017), Tiếp cận nền kinh tế chia sẻ (BCG).
World Bank Group (2016). Sharing is caring? Not quite. Some observations about "the sharing economy. Desiree van Welsum, 2016, World Bank Group.

Developing the sharing economy in Vietnam

Master. Phung Thi Hien

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The global sharing economy has witnessed a steep rise with millions of big companies, such as Airbnb, RelayRides, DogVaca and LiquidSpace. These companies take advantages of GPS, 3G and online payment technologies and the growth of smartphone to provide highly efficient and cheap for customers. There are some sharing economic models operating in Vietnam including Uber and Grab. By analyzing the development of sharing economy in some countries, this paper discusses the rise of this economic model in Vietnam and also presents some difficulties in the application of the sharing economy in Vietnam.

Keywords: sharing economy, international.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-nen-kinh-te-chia-se-tai-viet-nam-79521.htm