Phát triển kinh tế ban đêm tại Hà Nội - xu hướng tất yếu
Những năm gần đây, loại hình kinh tế ban đêm đã xuất hiện và phát triển tại Hà Nội. Với lợi thế sẵn có cũng như đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phát triển kinh tế ban đêm sẽ là xu hướng tất yếu của Thủ đô. Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra một số vấn đề về cách thức tổ chức, quản lý, phát triển dịch vụ, đặc biệt là cần có cơ chế phù hợp để phát triển bền vững.
Hà Nội có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhờ có nhiều điểm tham quan, sản phẩm truyền thống nổi tiếng. Ảnh: Nam Nguyễn
Bài 1: “Mỏ vàng” còn bỏ ngỏ
Là Thủ đô ngàn năm tuổi với hệ thống di sản vật thể, phi vật thể phong phú; những món ẩm thực đường phố nổi tiếng cùng con người thân thiện, mến khách; đồng thời lại có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang hội nhập sâu rộng với thế giới…, Hà Nội hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, đến nay “mỏ vàng” này vẫn còn bỏ ngỏ bởi tiềm năng chưa được khai thác nhiều, trong khi có không ít những hạn chế, bất cập đang đặt ra…
Khi thành phố lên đèn
Nói về kinh tế ban đêm, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là hoạt động chỉ diễn ra vào ban đêm nhằm phục vụ du khách, các đối tượng có nhu cầu chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa, thưởng thức ẩm thực… Trên địa bàn Hà Nội, nói đến sản phẩm kinh tế ban đêm là nói tới các dịch vụ thương mại, du lịch ban đêm đang diễn ra sôi động chủ yếu tại địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Có mặt tại khu vực này khi thành phố lên đèn, đặc biệt khoảng thời gian cuối tuần, sẽ cảm nhận được nét sôi động của đô thị về đêm. Khu vực chợ đêm Hàng Ngang, Hàng Đào, Ô Quan Chưởng bày bán đủ loại hàng hóa, sản vật, cùng ẩm thực các vùng miền, thu hút hàng vạn lượt du khách mỗi đêm; các sân khấu ngoài trời khu vực này cũng náo nhiệt những hoạt động văn hóa, lễ hội… Còn tại khu phố Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, ngoài dịch vụ ăn uống còn có hoạt động của các câu lạc bộ ca hát, khiêu vũ... Chị Nguyễn Thị Nga, một người kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ trên phố Hàng Gai cho biết: “Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ban đêm lượng khách tới mua sắm vẫn đông hơn ban ngày”.
Bên cạnh những địa điểm quen thuộc nêu trên, thêm một điểm nhấn không thể không nhắc đến. Đó là từ giữa năm 2020, tour tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò đêm ra đời và ngay lập tức đã tạo hiệu ứng mạnh với du khách. Sản phẩm này đã góp phần quan trọng để kích đẩy dịch vụ kinh tế ban đêm, được coi là mô hình thí điểm trong việc khai thác thế mạnh điểm đến.
Với những bước đi ban đầu, kinh tế ban đêm đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô nói chung. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ, thương mại, du lịch của quận đạt 18,12%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt trên 9.838 tỷ đồng; năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tổng thu ngân sách ước đạt 10.343 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm trước. Kết quả này có một phần đóng góp từ kinh tế ban đêm”.
Tối 25-12-2020, UBND quận Hoàn Kiếm thí điểm triển khai mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm, phạm vi mở rộng gồm 8 tuyến phố. Đây là bước thực hiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của phát triển kinh tế ban đêm.
Người dân tham quan không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Viết Thành
Vẫn còn hạn chế, bất cập
Kinh tế ban đêm đã được nhen nhóm phát triển ở Hà Nội và bước đầu đem đến những lợi ích nhiều mặt, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, kinh tế ban đêm ở Hà Nội mới chỉ tận dụng được những cái sẵn có mà chưa nâng tầm và khai thác được “mỏ vàng”. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn đơn điệu, chưa thực sự tinh xảo, mang lại giá trị kinh tế chưa lớn. Một số hoạt động còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, gắn với bộ máy chính quyền, kèm các quy chế liên quan.
Khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của Hà Nội là rất lớn, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, việc khai thác lợi thế kinh tế ban đêm vẫn còn khiêm tốn. Mới đây, quận Hoàn Kiếm đã mở cửa các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực, sắp xếp các chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp với từng không gian nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Song nhìn rộng ra các quận, huyện khác, hệ thống di sản văn hóa, lịch sử phong phú, đa dạng như phủ Tây Hồ, núi Tản Viên, các làng nghề, làng hoa… đều có thể xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhưng hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Theo các chuyên gia, du khách chưa “mặn mà” với du lịch đêm Hà Nội còn bởi việc tổ chức chưa chuyên nghiệp. Điển hình như quanh khu vực tổ chức phố đi bộ "mọc" lên những bãi gửi xe tự phát với giá trông xe “trên trời”; dịch vụ xích lô, ăn uống nhiều khi còn để xảy ra tình trạng "chặt chém"... Cũng vì quản lý thiếu chặt chẽ nên việc thất thu thuế là khó tránh khỏi. Việc ùn tắc giao thông tại các tuyến phố vào trung tâm thành phố vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào tối cuối tuần hay khi có sự kiện, lễ hội lớn. Bên cạnh đó là vấn đề tiếng ồn, bán hàng rong, xả rác bừa bãi…
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nhận định, do mật độ dân số lớn, cơ sở hạ tầng chật hẹp, thiếu đồng bộ, lực lượng chức năng mỏng, ý thức của một bộ phận người dân và du khách hạn chế nên việc quản lý không gian kinh tế ban đêm trên địa bàn quận gặp nhiều khó khăn...
(Còn nữa)