Phát triển hệ sinh thái số
Thanh toán di động đang trở thành xu hướng mới với việc ứng dụng các công nghệ mới như QR Code
Những vấn đề xoay quanh việc phát triển hệ sinh thái số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã được đưa ra thảo luận trong hội thảo Thanh toán 2019 với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn OpenWay tổ chức vào ngày 16/10 tại Hà Nội.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, hiện các công ty Fintech Việt Nam đang phát triển mạnh. Trong khi Mobile Banking thay đổi liên tục, theo hướng tăng trải nghiệm để thu hút khách hàng. Thanh toán di động đang trở thành xu hướng mới với việc ứng dụng các công nghệ mới như QR Code, Giao tiếp trường gần (NFC), số hóa thông tin thẻ (Tokenization), Xác thực sinh trắc học…
Hiện đã có 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Giá trị giao dịch quý II/2019 qua Internet Banking là 9.500 nghìn tỷ đồng và Mobile Banking là 1.760 nghìn tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, với sự phát triển của Moblie Banking khách hàng đã được tiếp cận nhiều dịch vụ tiện lợi hơn, như có thể thanh toán hóa đơn tiền điện online, mua vé máy bay, đặt chỗ ở nhà hàng… gần như tất cả các dịch vụ trong cuộc sống. Đặc biệt, một trong những điểm sáng của giai đoạn năm 2018 - 2019 của việc thúc đẩy TTKDTM đó là hệ sinh thái của ngân hàng đã được kết nối với hầu hết các ngành quan trọng. Đơn cử ngành y tế và giáo dục cũng đã vào cuộc. Bộ Y tế đã ban hành chuẩn QR Code cho lĩnh vực y tế và chuẩn kết nối thanh toán. Bên cạnh đó, lĩnh vực thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, tiện ích được chú trọng, tăng cường. Dịch vụ nộp thuế điện tử đã được triển khai một cách an toàn, nhanh chóng, thuận tiện.
Nhận định về sự phát triển của thanh toán số tại Việt Nam, ông Marek Forysiak - Chủ tịch SmartNet cho rằng, có thể thấy những thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam đặc biệt là sự chuyển đổi nhanh chóng của các dịch vụ tài chính. Hiện tại, Việt Nam là môi trường tiềm năng cho các dịch vụ tài chính di động. Những ứng dụng ngân hàng ngày càng được bổ sung nhiều tiện ích.
Tại hội thảo, vấn đề hợp tác giữa ngân hàng cùng các công ty Fintech nhằm xây dựng hệ sinh thái thanh toán số và thúc đẩy TTKDTM cũng đã được đưa ra thảo luận.
Nhằm nâng cao khả năng chuẩn hóa, tiết kiệm chi phí hoạt động cũng như rút ngắn thời gian giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, TPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên đã ứng dụng giải pháp Cloud. Ông Bùi Quang Cương - Giám đốc khối CNTT của TPBank chia sẻ: Động lực đầu tiên để triển khai hệ thống Cloud chính là vấn đề thời gian khi mà với Cloud, TPBank chỉ mất 15 phút cho việc set up một máy chủ. Thứ hai là về chi phí, so với việc mua hệ thống máy chủ vật lý, thì chi phí rẻ hơn rất nhiều. Thứ ba là khi sử dụng Cloud, tính linh hoạt trong quản lý tài nguyên rất thuận tiện, nhanh chóng.
Sau nhiều lần nâng cấp hệ thống, kết quả cho đến nay, TPBank có 676 máy chủ trên Cloud, ngoài ra, TPBank còn sử dụng một số dịch vụ Cloud như AI Chatbot, OCR trên Public Cloud cho một số ứng dụng cụ thể.
Nói về việc bắt tay cùng Fintech, ông Cương cho rằng, ngân hàng hay Fintech đều có một mục tiêu là cung cấp dịch vụ cho khách hàng. TPBank đã kết nối với nhiều ví điện tử, đơn vị trung gian thanh toán để cung cấp nhiều dịch vụ tới khách hàng càng tốt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó tổng giám đốc Napas cho biết, công nghệ của các ngân hàng không thể nhanh bằng Fintech, sự kết hợp với Fintech sẽ giúp các ngân hàng nhìn thấy thị trường tiềm năng tương lai. Các ngân hàng sẽ tập trung vào thị trường chính còn Fintech sẽ tập trung vào những thị trường khe. Bản thân Napas mang nhiệm vụ kết nối giữa các bên để tạo thành các dịch vụ toàn diện, phục vụ khách hàng. Trong thời gian tới, Napas sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh kết nối giữa ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán, phục vụ xây dựng hạ tầng thanh toán cho Việt Nam.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/phat-trien-he-sinh-thai-so-93487.html