Phát triển giống phải theo 'mệnh lệnh' thị trường

'Thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Trong bối cảnh thị trường thay đổi hiện nay, nếu cứ khư khư giữ phương thức sản xuất cũ thì sẽ không thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Đối với nhiệm vụ này, công tác giống phải đi trước một bước. Công tác phát triển giống cũng cần thay đổi định hướng nghiên cứu, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày một phức tạp hiện nay' – Lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho thấy, công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi cần phải thay đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Người dân Tây Nguyên chuẩn bị giống củ mì cho vụ mùa tới. Ảnh: Bích Nguyên

Mất cân bằng trong sản xuất giống cây

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển giống cây trồng nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Theo đó, hệ thống nguồn gen cây trồng, vật nuôi tiếp tục được duy trì, lưu giữ. Đây là nguồn vật liệu vô cùng quan trọng, phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo giống trong trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội. Một lượng lớn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng, giống bố mẹ hạt lai... sản xuất ra từ các dự án đã được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận để nhân các cấp giống tiếp theo, cung cấp cho sản xuất đại trà. Các dự án trồng trọt đã sản xuất hàng chục ngàn tấn hạt giống gốc, giống siêu nguyên chủng; hàng trăm triệu củ giống, hom giống đầu dòng...

Kết quả trong giai đoạn 2010 - 2018, nước ta đã công nhận được 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm nghiệp, 26 dòng, tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản. Tỷ lệ sử dụng giống cấp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số giống cây trồng, vật nuôi đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra (70%). Đơn cử như: Ngô đạt 95%; sắn đạt 75%; cao su, chè, chuối, nhãn, vải, thanh long đạt 100%; cây giống lâm nghiệp đạt 80%... Nhờ đó, năng suất nhiều cây trồng, vật nuôi tăng, vượt mục tiêu đề án (15%). Năng suất sinh khối trong trồng rừng kinh tế tăng 50%.

Điều đáng suy ngẫm là trong số gần 1.000 giống cây trồng, vật nuôi được công nhận chính thức thì giống lúa, ngô chiếm ưu thế hơn cả với 180 giống lúa, 40 giống ngô lai và 56 giống sản xuất thử. Còn các giống rau, hoa được công nhận khá khiêm tốn. Sau 10 năm, mới có 16 giống hoa được công nhận chính thức và sản xuất thử.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc mỗi năm chúng ta phải nhập tới 80% giống rau, hoa là con số đáng phải suy nghĩ. Con số đó cho thấy, cơ cấu chọn tạo giống đang có sự mất cân đối đáng kể cho thấy, việc sản xuất giống cây chưa thích ứng với thị trường.

Sản xuất giống thích ứng với biến đổi khí hậu

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn là một trong những quốc gia tốp đầu trên thế giới phải hứng chịu thiên tai, mưa bão, hạn hán. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, ngành nông nghiệp Việt Nam với tinh thần chủ động, vượt khó, vượt khổ đã vươn lên trở thành quốc gia mạnh trên thế giới về xuất khẩu nông sản.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, công tác lai chọn giống đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp có thể biến nguy cơ thành thời cơ theo hướng chọn tạo các giống mới thích ứng được với biến đổi khí hậu và đặc điểm thổ nhưỡng, đất đai từng vùng. Theo đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần các giống cây trồng, thủy sản có thể chịu hạn, mặn. Khu vực Tây Bắc thay vì trồng ngô thì chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận phải hướng tới nền nông nghiệp sa mạc.

Trên cơ sở kết quả đạt được, đảm bảo thích ứng với tình hình mới, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Đề án phát triển giống nông nghiệp giai đoạn mới, trong đó, tập trung xuyên suốt chung quanh 3 trục kinh tế ngành lớn là lâm nghiệp, thủy sản và nông nghiệp, tuy nhiên, đề án mới phải gắn chặt với yếu tố thị trường.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành từ nay đến năm 2030. Có khoảng 500 - 700 giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất.

Để đạt được mục tiêu này, ông Việt cho biết, sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống những cây trồng, vật nuôi được ưu tiên cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm phát triển (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương).

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ đa dạng hóa nguồn giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho sản xuất. Đồng thời, sưu tập bổ sung nguồn gen cây trồng, vật nuôi, ưu tiên những nguồn gen quý hiếm, nguồn gen ở những vùng có nguy cơ xói mòn; bảo tồn, lưu giữ, đánh giá sâu nguồn gen làm cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phat-trien-giong-phai-theo-menh-lenh-thi-truong/