Phát triển Chính phủ điện tử làm nòng cốt xây dựng đô thị thông minh
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, cần coi phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết sẽ phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng các đô thị thông minh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với các cơ quan công quyền.
Trên cơ sở đó, người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được các cơ quan chức năng giải đáp nhanh và thỏa đáng.
Phát biểu tại hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tổ chức ngày 2/10, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu hiện nay để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị.
Thực tế đến nay, trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án, dự án về phát triển đô thị thông minh. Nhưng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc phát triển đô thị thông minh còn nhiều bất cập và lúng túng. Các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh và các địa phương cũng mới bước đầu triển khai một số ứng dụng và dịch vụ cơ bản cho đô thị thông minh.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khuyến nghị các địa phương cần có nhận thức đúng về vấn đề này, các điều kiện cần và đủ để từng bước xây dựng thành công đô mô hình thị thông minh tại địa phương, tránh đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng khẳng định phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước. Cả nước hiện có trên 830 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38,6%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12-15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.
Các trung tâm đô thị đã và đang là những trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội đồng thời cũng là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo khai thác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước. Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9 cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị tại 3 vùng kinh tế trọng điểm tại phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030 hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Mục tiêu này, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ giữa các bộ, ngành và địa phương./.