Phát triển các khu công nghiệp - đòn bẩy tăng trưởng kinh tế

PTĐT - Những năm qua, Phú Thọ luôn thực hiện quan điểm nhất quán phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc, gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp...

Kỳ I: Nơi có sức hút các nhà đầu tư

KCN Thụy Vân tỷ lệ lấp đầy đạt 95%, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

PTĐT - Những năm qua, Phú Thọ luôn thực hiện quan điểm nhất quán phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc, gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; nhằm góp phần đưa Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XXVIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Ngược thời gian từ những năm 1958-1960 của thế kỷ XX, sau khi hoàn thành cơ bản công cuộc khôi phục kinh tế, tỉnh Phú Thọ cùng cả miền Bắc bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 3 năm “cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội”. Trung ương đã quyết định xây dựng Việt Trì và Thái Nguyên thành các khu công nghiệp (KCN) tập trung, tạo tiền đề cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước, góp phần thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển. KCN Việt Trì được hình thành với các nhà máy như: Điện, Đường, Giấy, Hóa chất, Miến - Mỳ chính... lần lượt chạy thử và đi vào hoạt động, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản lượng công nghiệp miền Bắc tăng lên. Từ đây đặt nền móng cho ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển.

Từ một KCN đầu tiên đến nay, tỉnh có 7 KCN gồm các KCN: Thụy Vân, Tam Nông, Cẩm Khê, Phù Ninh, Phú Hà, Hạ Hòa, Trung Hà với tổng diện tích quy hoạch 2.160ha. Ông Đặng Hoàng Cương - Phó Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: “Được Chính phủ phê duyệt 7 KCN đến nay có 4 KCN đi vào hoạt động là: KCN Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê. Hệ thống hạ tầng các KCN từng bước đồng bộ như: KCN Phú Hà do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư với quy mô trên 356ha được chia làm 2 phân khu gồm phía Bắc và phía Nam; tổng mức đầu tư 1.933 tỷ đồng. Hạ tầng khu phía Nam triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ với gần 120ha và đang thi công hạ tầng khu phía Bắc trên 236ha.Đến nay, KCN Phú Hà đã thu hút được 25 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký trên 300 triệu USD. Các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất trên các lĩnh vực công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường như: Linh kiện ô tô, linh kiện điện tử cho thiết bị di động, đèn led, lốp ô tô.... thu hút 14 nghìn lao động tại địa phương và các huyện lân cận. Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng cao... Ngoài các doanh nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, làm thủ tục xin cấp phép đầu tư, Tổng Công ty Viglacera tiếp tục mời gọi 16 nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu thuê đất tại KCN Phú Hà với tổng diện tích 100ha; vốn đầu tư dự kiến khoảng 400 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn đến 12 nghìn lao động.

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” hơn so với KCN Phú Hà, nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, KCN Cẩm Khê do Công ty cổ phần xây dựng Đức Anh làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 450ha được chia làm 4 giai đoạn bắt đầu từ năm 2017-2023. Đến nay, Công ty đã tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng được 150ha đạt 100% phân kỳ giai đoạn 1; giá trị bồi thường khoảng 105 tỷ đồng. Hiện nay Công ty đã thực hiện xây dựng 90% hạ tầng; tổng giá trị đầu tư xây dựng ước đạt 250 tỷ đồng. Công ty đã mời gọi được 14 doanh nghiệp vào KCN với tổng diện tích cho thuê khoảng 30ha. Hiện tại đã có 1 doanh nghiệp đi vào sản xuất, 2 doanh nghiệp chuẩn bị đi vào sản xuất, 5 doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy, hầu hết là doanh nghiệp FDI. Thấu suốt quan điểm, phương châm chỉ đạo đầu tư của tỉnh là không đánh đổi môi trường, thu hút đầu tư bằng mọi giá, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó BQL KCN Cẩm Khê cho biết: Công ty lựa chọn, khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất các mặt hàng như công nghiệp hỗ trợ, chế biến khoáng sản, lắp ráp các mặt hàng điện tử, dược phẩm, đồ uống… vào KCN và ưu đãi đầu tư một số chính sách liên quan đến thuế…”.Với vị trí địa lý thuận lợi cùng lực lượng lao động dồi dào, các KCN Thụy Vân, Phú Hà, Trung Hà, Cẩm Khê đã dần từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng. Đến nay đã có 179 dự án có hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 20.209 tỷ đồng và gần 892 triệu USD; trong đó có 82 dự án FDI của 67 doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động, thực hiện đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 571 triệu USD, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động... Đây quả thực là những con số ấn tượng minh chứng cho hiệu quả công tác thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả các KCN, tạo nguồn thu về cho địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.

Một số dự án sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao chủ yếu là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản..., giá trị xuất khẩu đến nay đã lên tới 1.350 triệu USD, đóng góp tích cực vào ngân sách địa phương. Nếu như năm 2015, số lao động thu hút vào KCN là 28.000 người thì đến năm 2020 là 42.000 người. Trung bình mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ; góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới... đáp ứng được yêu cầu định hướng phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, với mục tiêu CNH- HĐH đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.Sau một thời gian vận hành chạy thử, Công ty TNHH HanYang Digltech Vina (KCN Phú Hà) chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn Dram, Memory, Module với tổng mức đầu tư 45 triệu USD tương đương 1.000 tỷ VNĐ đã đi vào sản xuất ổn định. Khách hàng chính của Công ty là các công ty công nghệ thông tin toàn cầu như Micro Soft, Face Book, Google, HP, Dell… Từ đầu năm đến nay, HanYang đã sản xuất được 25 triệu sản phẩm. Dự kiến đến năm 2023, Công ty sẽ sản xuất 100 triệu sản phẩm vào cuối năm. Ông Choi Dong Hyeon- Giám đốc điều hành Công ty cho biêt: “Chúng tôi quyết định di dời nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam. Một trong những mục tiêu mà các nhà đầu tư FDI như chúng tôi hướng đến đó là nước các bạn một nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng… Bên cạnh đó Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết hiệp định thương mại tự do và bảo trợ đầu tư; trong đó Chính phủ Việt Nam nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt các KCN có cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện cho việc trung chuyển hàng hóa; cùng với nguồn nhân lực dồi dào… Chúng tôi cam kết luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Phú Thọ.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong các KCN đã đi vào sản xuất kinh doanh ổn định tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016, doanh thu từ các KCN đạt 20.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 800 tỷ, giá trị xuất khẩu đạt 700 triệu USD, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng, giải quyết cho trên 30.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận thì đến năm 2019, doanh thu 40.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 1.700 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 1.500 tỷ. giải quyết việc làm cho 42.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 135 dự án, trong đó có 105 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.619 tỷ đồng, 30 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký mới và tăng vốn mở rộng đầu tư 142 triệu USD. Hầu hết các dự án đều tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, sản xuất linh kiện điện tử... Đây là kết quả của việc đồng thuận trong định hướng chỉ đạo, điều hành của tỉnh cùng nhiều giải pháp, chính sách phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Kỳ II: Giải pháp để bứt phá

Nhóm PV Kinh Tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/cong-nghiep/202009/phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-don-bay-tang-truong-kinh-te-172828