Phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

Hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn, việc xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là một giải pháp có tính bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và thúc đẩy sản xuất...

Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm tra chuỗi cung cấp hồng Gia Thanh an toàn.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cùng các đơn vị trực thuộc cũng như các địa phương xây dựng thành công hệ thống chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đã cung cấp các sản phẩm vào hệ thống siêu thị như: Siêu thị GO, Siêu thị Winmart, Siêu thị Coop mart...

Đến nay, đã triển khai 108 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; chè, rau, bưởi, thịt lợn, thịt gà, nấm... Trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 49 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Đã có 194 sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó một sản phẩm hạng 5 sao, 46 sản phẩm hạng 4 sao và 147 sản phẩm hạng 3 sao.

Tuy nhiên, việc liên kết giữa sản xuất và kinh doanh của các cơ sở chưa chặt chẽ, chưa ổn định; khối lượng, chủng loại sản phẩm còn hạn chế, giá bán sản phẩm chưa đạt như mong muốn của người sản xuất nên các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn chưa nhân rộng được nhiều, hiệu quả chưa cao.

Chuỗi sản xuất thịt chua an toàn của Thanh Sơn.

Để nhân rộng, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết một cách bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở hướng dẫn, phối hợp với các huyện, thành, thị thực hiện tốt có hiệu quả Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Kế hoạch số 4265/KH-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2025, Kế hoạch số 1865/KH-UBND ngày 23/5/2023 của UBND tỉnh về phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Đồng chí Đỗ Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng triển khai các chuỗi thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, các quy trình sản xuất an toàn, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm an toàn đến người sản xuất và người tiêu dùng. Giới thiệu những địa chỉ kinh doanh thực phẩm chuỗi nông lâm thủy sản an toàn, có uy tín; công khai các cơ sở có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm để người dân biết, ủng hộ tiêu dùng thực phẩm an toàn...

Thị trấn Lâm Thao mở rộng diện tích trồng rau an toàn hướng tới phục vụ nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương thức quản lý, tổ chức hoạt động theo chuỗi liên kết; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình sản xuất an toàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ sản xuất quy mô nhỏ. Hướng dẫn các cơ sở thực hiện giám sát nội bộ việc chấp hành các quy trình sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm tại tất cả các công đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh theo chuỗi liên kết; ghi chép, lưu trữ hồ sơ truy xuất sản phẩm khi xảy ra sự cố mất ATTP,...; thực hiện lấy mẫu, kiểm tra chất lượng (tồn dư thuốc BVTV, kháng sinh, kích thích sinh trưởng, chất bảo quản, vi sinh vật...) tất cả các sản phẩm chuỗi trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; tổ chức các hội nghị kết nối cơ sở sản xuất, kinh doanh với các kênh phân phối, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, trường học... ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn.

Những nhiệm vụ, giải pháp đề ra, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn tập trung hướng đến mục tiêu người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn trong các bữa ăn hàng ngày, bảo đảm sức khỏe, đóng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phat-trien-cac-chuoi-cung-cap-thuc-pham-an-toan/202560.htm