Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng Cao Bằng giàu đẹp, văn minh

Non nước Cao Bằng hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc, kết tinh nhiều giá trị nhân văn cao đẹp; nhân dân các dân tộc giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Trải qua lịch sử 525 năm xây dựng và phát triển (1499 - 2024), Cao Bằng luôn giữ vai trò là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu, xứng danh là 'phên dậu' vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất.

Lịch sử truyền thống cách mạng hào hùng

Cao Bằng - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, giữ vị trí trọng yếu nơi biên cương Tổ quốc, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước. Nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất Cao Bằng, đến triều vua Lê Hiến Tông, năm Cảnh Thống thứ hai (1499), nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên để thành lập trấn Cao Bằng, một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền Trung ương. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Cao Bằng. Năm 1677, nhà Lê đặt lại trấn Cao Bằng thành trọng trấn, càng khẳng định vị trí trọng yếu của vùng đất Cao Bằng.

Thành phố Cao Bằng trên đà phát triển. Ảnh: Thế Vĩnh

Thành phố Cao Bằng trên đà phát triển. Ảnh: Thế Vĩnh

Trong suốt chiều dài lịch sử 525 năm thành lập và phát triển, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, Cao Bằng vẫn luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là một đơn vị hành chính có vị trí chiến lược trọng yếu, là “phên dậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Trên chặng đường lịch sử vẻ vang, Cao Bằng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá là một địa bàn chiến lược quan trọng, nơi “sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, tạo nền móng vững chắc cho phát triển của các tổ chức cơ sở đảng và sự thành lập Đảng bộ Cao Bằng. Ngày 28/1/2941, Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Cao Bằng trở thành “cái nôi” của cách mạng, nơi gắn bó nhiều sự kiện, kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suốt chặng đường 525 năm xây dựng và phát triển, lịch sử Cao Bằng rực sáng với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt, thấm nhuần lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Cao Bằng tháng 2/1961, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh luôn nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh miền núi, biên giới, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy mạnh mẽ nội lực, bứt phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư, đưa Cao Bằng phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mở rộng hội nhập quốc tế, tạo thế và lực mới trên con đường hội nhập, phát triển.

Xây dựng Cao Bằng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tổng sản phẩm GRDP tăng trưởng bình quân 5,46%/năm, trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,35%, công nghiệp xây dựng tăng 5,17%, dịch vụ tăng 6,22%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,46%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng 9,8%/năm; giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 46 triệu đồng/ha; thu ngân sách Nhà nước tăng 11%/năm; hộ nghèo (theo tiêu chí mới) bình quân giảm 4,11%/năm; 82,5% tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa mặt đường; 98,8% đường đến trung tâm xã được bê tông hóa; 85% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 80% khu dân cư văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 83% khu dân cư có nhà văn hóa…

Tận dụng tiềm năng to lớn là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc dài nhất cả nước, có nhiều cửa khẩu chính và cặp cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 10-KH/BCĐ ngày 24/3/2022 về thực hiện nội dung đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế, đưa kinh tế cửa khẩu trở thành 1 trong 3 mũi nhọn đột phá của kinh tế địa phương. Tỉnh phối hợp với Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan vận chuyển hàng hóa Nà Đoỏng (Việt Nam) - Nà Ráy (Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế. Qua đó, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu song phương; thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, hợp tác lao động, phát triển du lịch qua biên giới; tăng cường kết nối, trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa với nước thứ 3 qua cửa khẩu biên giới, nhất là giữa các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh khi Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được khởi công xây dựng. Dự án có chiều dài 93,35 km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.000 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tỉnh xác định đây là dự án trọng điểm với vai trò là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh quốc gia, kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, với các tỉnh trong nước và quốc tế. Trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh có cảng hàng không quy mô cấp sân bay 4C dự kiến 350 ha, công suất dự kiến 2 triệu khách hàng/năm. Tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào dự án. Triển khai nhiều dự án đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện nhiều dự án đầu tư hạ tầng cơ sở có quy mô lớn phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ như: Phố đi bộ ven sông Bằng, Khách sạn Mường Thanh, đầu tư cơ sở vật chất tuyến du lịch thứ 4 trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng…

Tỉnh xây dựng khu du lịch Thác Bản Giốc (Trùng Khánh) đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia, trở thành trọng điểm, kiểu mẫu du lịch qua biên giới.

Tỉnh xây dựng khu du lịch Thác Bản Giốc (Trùng Khánh) đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia, trở thành trọng điểm, kiểu mẫu du lịch qua biên giới.

Lĩnh vực du lịch có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 28%/năm, tổng thu đạt 2.028 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng đạt 36%. Năm 2024, Cao Bằng lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do Booking.com (chuyên trang về đặt vé, phòng lưu trú tại nhiều quốc gia trên thế giới) công bố; thác Bản Giốc (Trùng Khánh) thuộc top 21 thác nước đẹp nhất thế giới được tạp chí du lịch quốc tế Travel+Leisure lựa chọn để giới thiệu đến khách du lịch. Tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”, để lại những dấu ấn tốt đẹp và tiếp tục mở ra nhiều hướng hợp tác mới của mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu trong khu vực và toàn thế giới…

Hiện nay, tỉnh phê duyệt 7/9 đồ án quy hoạch đô thị, thẩm định xong 2 quy hoạch. Đang triển khai thực hiện 31 dự án phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại, đem lại nguồn cung lớn cho thị trường bất động sản, từng bước trở thành vùng động lực, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với dịch vụ công quốc gia, cung cấp được 1.549 dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (Đề án 06), Cao Bằng là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước kết nối hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh và một cửa điện tử của tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông theo quy định; đứng thứ 19 về đích trong thực hiện thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; đứng thứ 22 về đích 100% cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn.

Nhìn lại những thành tựu Cao Bằng đạt được sau 525 năm thành lập tỉnh, 74 năm giải phóng Cao Bằng (3/10/1950 - 3/10/2024), chúng ta càng thêm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc cũng như những nỗ lực không ngừng, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây là những tiền đề quan trọng, sức bật mới để Cao Bằng “trở mình” vươn cao, vươn xa, tạo nên những thành tựu to lớn, rực rỡ hơn nữa đưa tỉnh ngày càng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và hội nhập.

Bảo Bình - Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-truyen-thong-cach-mang-xay-dung-cao-bang-giau-dep-van-minh-3172517.html