Phát huy lợi thế, nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư

Tỉnh Gia Lai đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Đây là dư địa lớn để thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 đã xác định quan điểm: Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Lợi thế cạnh tranh

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết: Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, dược liệu… Hiện toàn tỉnh có hơn 98.700 ha cà phê, sản lượng đạt khoảng 267.450 tấn/năm; 10.040 ha hồ tiêu, sản lượng đạt gần 35.700 tấn/năm; gần 30.000 ha cây ăn quả các loại (quy hoạch trên 100.000 ha); gần 2.300 ha dược liệu (quy hoạch 20.000 ha)...

Những lợi thế đó đã giúp Gia Lai thu hút được gần 300 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, trong đó có 50 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10.402 tỷ đồng; 209 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi với tổng kinh phí đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng và 36 dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp với quy mô khoảng 39.000 ha.

Giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, EU…

 Gia Lai có 88 dự án năng lượng được quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.332,89 MW; đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 3.250,69 MW. Ảnh: Phạm Quý

Gia Lai có 88 dự án năng lượng được quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.332,89 MW; đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 3.250,69 MW. Ảnh: Phạm Quý

Bên cạnh đó, Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối). Cùng với vị trí nằm ở trung tâm của khu vực Tây Nguyên, hầu hết các xuất tuyến đường dây 500 kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn nên Gia Lai càng thuận lợi để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 88 dự án năng lượng tái tạo được quy hoạch với tổng quy mô công suất 4.332,89 MW; đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 3.250,69 MW.

Du lịch tiếp tục là lĩnh vực mà Gia Lai tập trung phát triển với 2 cụm chính là phía Tây và phía Đông. Trong đó, cụm phía Tây tập trung khai thác khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya, kết nối với hệ thống sông Sê San, thủy điện Ialy, đồng thời liên kết với tỉnh Kon Tum. Còn cụm phía Đông gắn phát triển du lịch sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, liên kết với những di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử-văn hóa, đồng thời liên kết rừng-biển với tỉnh Bình Định.

Bên cạnh duy trì, làm mới các hoạt động lễ hội mang tính thường niên ở cụm phía Tây, một phần ở cụm phía Đông thì việc khai thác du lịch sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đang bắt đầu được quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Tú-Thành viên Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng-cho biết: Nhiều dự án du lịch cũng đã được Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng đề xuất xây dựng nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó khai thác hiệu quả tiềm năng trời cho này.

Phát triển lĩnh vực mới

Thời gian gần đây, nhiều lĩnh vực mới được Gia Lai chú trọng kêu gọi đầu tư như: sản xuất các sản phẩm từ chăn nuôi bò sữa; trồng dâu nuôi tằm phục vụ sản xuất tơ lụa; du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm…

Ông Hồ Sỹ Sáu-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên-cho biết: “Hiện nay, Công ty có 1 trang trại bò ở xã Đăk Yă (huyện Mang Yang) với số lượng khoảng 11.000 con. Dòng sản phẩm chủ lực của Công ty là sữa tươi 100%, ngoài ra còn có các sản phẩm như sữa tươi trái cây, sữa bột pha sẵn.

Thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng thêm dây chuyền, nâng công suất lên khoảng 110.000 tấn sản phẩm/năm và tiếp tục chế biến ra những sản phẩm khác như kem, phô mai”.

Với kinh nghiệm 33 năm sản xuất tơ lụa, bà Hà Thị Hoa-Giám đốc Công ty TNHH Xe tơ-dệt lụa Hà Bảo (tỉnh Lâm Đồng) nhận thấy Gia Lai có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm quanh năm, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

“Công ty phối hợp với các doanh nghiệp lập dự án sản xuất trứng giống tằm và nuôi tằm con ứng dụng công nghệ cao tại Gia Lai với quy mô 300 ha, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Dự án này sẽ xây dựng chuỗi liên kết phát triển bền vững cho ngành dâu tằm tơ. Sản phẩm của công đoạn này là nguyên liệu của công đoạn kia, cho đến khi ra sản phẩm cuối cùng được người tiêu dùng chấp nhận.

Hiện doanh nghiệp đã được ngành chức năng giới thiệu và khảo sát vị trí, đồng thời hỗ trợ lập hồ sơ thủ tục để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”-bà Hoa nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm cũng là lĩnh vực Gia Lai có thể thu hút nguồn lực đầu tư lớn. Những năm qua, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm đã được triển khai trên địa bàn, thu hút được sự quan tâm lớn của du khách và người dân như: Moon’s Coffee Farm (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Zin’s Farm (xã Ia Kênh, TP. Pleiku), Huy Farm (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh), Farmstay Sâm Phát Ialy (huyện Chư Păh)…

Một lĩnh vực khác tuy còn mới song lại rất có tiềm năng để phát triển là dịch vụ logistics. Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: “Gia Lai tiếp giáp với Campuchia và gần nước Lào. Gia Lai cũng kết nối với duyên hải miền Trung thông qua các khu vực cảng ở Bình Định.

Là tỉnh có hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhưng ngành dịch vụ logistics ở Gia Lai chưa phát triển như mong muốn. Vì vậy, để phục vụ cho việc vận chuyển nông sản đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng và chi phí thấp thì phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh là vô cùng cần thiết”.

 Phân loại hạt điều tại chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Gia Lai (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Phân loại hạt điều tại chi nhánh Công ty TNHH Olam tại Gia Lai (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, tận dụng cơ hội

Năm 2024, toàn tỉnh có 17 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (giảm 22 dự án so với năm 2023) với tổng vốn đăng ký gần 1.500 tỷ đồng (giảm 69% so với năm 2023). Đồng thời, có 13 dự án được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư và 2 dự án do nhà đầu tư tự chấm dứt hoạt động.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực còn nhiều dư địa. Cụ thể, về nông-lâm nghiệp, tỉnh sẽ chú trọng thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, trồng rừng, dược liệu, các trung tâm giống…; về công nghiệp sẽ kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu/cụm công nghiệp, trung tâm logistics, cảng cạn, nhà máy chế biến nông-lâm sản, thức ăn gia súc…; về thương mại, dịch vụ, du lịch sẽ kêu gọi đầu tư vào các khu trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, khu đô thị thông minh, khu thể thao (sân golf), khu vui chơi giải trí, các khu du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, cộng đồng...

Danh mục dự án thu hút đầu tư năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 của tỉnh có 98 dự án với tổng diện tích 16.624,21 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 42.974,1 tỷ đồng. Trong đó, năm 2025 có 54 dự án với tổng diện tích 6.806,03 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 25.321,4 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 có 44 dự án với tổng diện tích 9.818,38 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 17.652,7 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho biết: “Gia Lai đóng vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ tại địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực. Tỉnh xác định đây sẽ là đòn bẩy cho hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất khẩu phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Theo đó, một số giải pháp mang tính đột phá sẽ được triển khai như: rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, tích hợp dịch vụ logistics trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư hạ tầng dịch vụ logistics, tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối cảng cạn, cảng biển, cảng hàng không trên địa bàn tỉnh và khu vực. Tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics”.

Còn Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thì thông tin: “Sở sẽ tiếp tục rà soát và áp dụng các chính sách một cách linh hoạt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư. Sở cũng sẽ đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư, lấy xúc tiến đầu tư tại chỗ làm trọng tâm, đồng thời kết hợp với xúc tiến đầu tư nước ngoài thông qua các diễn đàn quốc tế nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài”.

Tại kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 11-12-2024, liên quan đến công tác xúc tiến và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cho biết: “Tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch; đồng thời, khơi thông các nguồn lực, nhất là đối với 77 dự án đang nghiên cứu, khảo sát trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ở các sở, ngành và kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tỉnh cũng tiếp tục gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, nhất là trên lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết tâm, quyết liệt triển khai với quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”.

HÀ DUY

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-huy-loi-the-nam-bat-co-hoi-thu-hut-dau-tu-post308712.html