Phát huy hiệu quả nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng ở Phương Độ

BHG - Xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) có hơn 1.500 ha diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Phần diện tích này mang lại nguồn kinh phí không nhỏ, giúp người dân các thôn trên địa bàn xã có thêm kinh phí xây dựng Nông thôn mới và tạo động lực để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ xã Phương Độ kiểm tra hiện trạng rừng trên địa bàn.

Thôn Khuổi My có gần 120 ha thảo quả và trên 30 ha chè Shan tuyết. Đây là nguồn sinh kế quan trọng của hơn 60 hộ trong thôn. Trước đây, để di chuyển đến khu vực có chè và thảo quả, người dân phải đi bộ bởi tuyến đường chênh vênh, nhỏ hẹp, nhiều dốc đứng. Điều này gây khó khăn rất lớn trong khâu thu hoạch và vận chuyển sản phẩm. Trước thực tế này, những năm qua, người dân trong thôn đã họp bàn, thống nhất sử dụng một phần kinh phí DVMTR của thôn để đầu tư xây dựng đường bê tông lên khu vực đồi thảo quả. Các hộ đóng góp thêm ngày công, vật liệu để xây dựng tuyến đường. Đến nay, tuyến đường cơ bản đã hoàn thành và được bê tông hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng, tăng năng suất lao động.

Đối với thôn Nà Thác, những năm qua, nguồn tiền DVMTR đã giúp người dân trong thôn có thêm kinh phí để xây dựng và hoàn thành hơn 2.000m đường bê tông nông thôn. Ông Lý Văn Thăn, Trưởng thôn Nà Thác chia sẻ: "Điều kiện kinh tế của nhiều hộ trong thôn khó khăn, việc đóng góp kinh phí để làm đường bê tông, xây dựng Nông thôn mới hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn này từng bước được tháo gỡ khi hàng năm thôn được nhận nguồn tiền DVMTR. Trên cơ sở nhất trí của người dân, thôn trích một phần tiền DVMTR để làm đường. Mới đây, thôn dành 1 khoản kinh phí để tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa thôn, tạo không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân".

Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng giúp người dân thôn Tân Tiến có thêm kinh phí tái đầu tư cho phát triển sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND xã Phương Độ Vũ Trọng Oanh cho biết: "Để các thôn sử dụng nguồn kinh phí DVMTR hiệu quả, đúng mục đích và quy định, hàng năm, UBND xã thực hiện tốt việc niêm yết công khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên về lĩnh vực chi trả tiền DVMTR; thành lập Ban kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR và tiến hành kiểm tra, giám sát nghiêm túc việc sử dụng nguồn kinh phí tại các thôn. Tuyên truyền, hướng dẫn các thôn sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, ưu tiên công tác bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư xây dựng các công trình Nông thôn mới như: Làm đường bê tông, kênh mương, sửa chữa nhà văn hóa, lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại các trục đường chính…"

Xác định chính sách chi trả DVMTR mang lại nguồn thu ổn định, bền vững cho người dân, do vậy, để được hưởng lợi, vấn đề đặt ra phải thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là tại các khu vực rừng cung ứng dịch vụ. Theo đó, xã thành lập các tổ quần chúng bảo vệ rừng tại 10/10 thôn và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, bảo vệ rừng cho các thôn và nhân dân trên địa bàn xã; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách DVMTR gắn với công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2020 đến nay, xã tổ chức tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng được trên 2.500 lượt người.

Năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng của xã Phương Độ đạt 70,2%, tăng 0,3% so với năm 2020; toàn xã không xảy ra vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Kết quả này cho thấy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã tiếp tục được đảm bảo và phát huy hiệu quả. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xã tiếp tục triển khai, thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, góp phần nâng cao thu nhập, tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/phat-huy-hieu-qua-nguon-kinh-phi-dich-vu-moi-truong-rung-o-phuong-do-48b34a7/