Phát huy hiệu quả của chính sách và can thiệp bền vững trong phòng, chống đuối nước trẻ em

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn thương tích chiếm tới 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, mỗi năm có 4,4 triệu người chết (chiếm gần 8% tổng số các trường hợp tử vong) và 78 triệu người tàn tật vĩnh viễn do tai nạn thương tích, trong đó tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, ngã, và bạo lực là những nguyên nhân chính. Đặc biệt, với đặc điểm địa lý của Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của trẻ em dưới 19 tuổi.

Đó là thông tin tại Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng, chống tai nạn thương tích (PCTNTT) với chủ đề “Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững” do Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức.

Thực trạng và những giải pháp can thiệp

Tại Việt Nam, mỗi năm, hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, gây ra những gánh nặng kinh tế khác nhau giữa các tỉnh.

Chia sẻ về chuyên đề phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em, đại diện Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids ThS. Đoàn Thu Huyền thông tin, trên thế giới, hơn 300.000 người tử vong mỗi năm do đuối nước; hơn 90% trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra tại quốc gia thu nhập thấp và trung bình; với hơn 50% nạn nhân dưới 25 tuổi và là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu của tử vong ở trẻ em dưới 15 tuổi.

 Phiên thảo luận chuyên đề phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em. Ảnh: Trần Khánh

Phiên thảo luận chuyên đề phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em. Ảnh: Trần Khánh

Trước thực trạng này, WHO khuyến nghị 6 can thiệp chính: làm rào để kiểm soát việc trẻ tiếp cận nguồn nước; tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non; dạy cho trẻ độ tuổi tiểu học trở lên kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ; xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy; xây dựng khả năng chống chịu và quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia.

Chương trình Phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam diễn ra trong bối cảnh điều kiện sống tại Việt Nam với 31 huyện của 16 tỉnh (nhiều khu vực thuộc vùng sâu, tiếp cận khó khăn); 24% là hộ nghèo và rất nghèo. Về kiến thức, trên 90% có biết về sự nguy hiểm của đuối nước trẻ em nhưng trên 80% không biết cách phòng chống; 40 - 50% cha mẹ và người chăm sóc trẻ không biết về bơi an toàn và biện pháp giám sát trẻ dưới 6 tuổi.

 Đại diện Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids ThS. Đoàn Thu Huyền chia sẻ về kinh nghiệm triển khai. Ảnh: Trần Khánh

Đại diện Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids ThS. Đoàn Thu Huyền chia sẻ về kinh nghiệm triển khai. Ảnh: Trần Khánh

Về các hoạt động can thiệp của Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam. Đến nay, đã có 2.250 cán bộ được tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống đuối nước trẻ em, 908 hướng dẫn viên được đào tạo về bơi an toàn, 1.096 hướng dẫn viên được đào tạo về kỹ năng an toàn, 44.398 trẻ từ 6 - 15 tuổi được học bơi an toàn, 52.250 trẻ từ 6 - 15 tuổi được học kỹ năng an toàn, 30.204 cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non được hướng dẫn về phòng chống đuối nước trẻ em.

Theo thống kê, tỷ lệ đuối nước tại địa bàn can thiệp giảm 30% sau khi được can thiệp (từ khi can thiệp năm 2019 tới năm 2022), tỉ lệ trung bình toàn quốc giảm 7,7% sau 4 năm. Điều này cho thấy nhận thức cộng đồng, thực hành về phòng chống đuối nước của cha mẹ trẻ có sự khác biệt rõ rệt ở địa bàn can thiệp và địa bàn đối chứng. Tỷ lệ trẻ em biết bơi ở cộng đồng tăng dần lên theo thời gian và cao hơn mức trung bình của cả nước năm 2022.

 Ủy viên Thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TS. Vũ Kim Hoa đánh giá hiệu quả can thiệp. Ảnh: Trần Khánh

Ủy viên Thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TS. Vũ Kim Hoa đánh giá hiệu quả can thiệp. Ảnh: Trần Khánh

Đánh giá hiệu quả thực hiện, Ủy viên Thường trực, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TS. Vũ Kim Hoa nhận định, một trong những can thiệp mang hiệu quả cao là chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em ở 12 tỉnh và qua can thiệp là các hành động cụ thể, dạy bơi về kỹ năng, vấn đề nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trong cộng đồng… đã và đang mang lại hiệu quả. Qua đó, giảm tỷ suất tử vong do đuối nước, tăng tỉ lệ trẻ em học bơi, tăng sự đồng hành của gia đình trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em và đặc biệt là nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm cộng đồng

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) TS. Nguyễn Ngọc Anh cho biết, mục tiêu của Chương trình quốc gia 10 năm về phòng, chống đuối nước ở trẻ em là “Giảm số trẻ em tử vong do đuối nước đi 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030”.

Thông thường, khi nhắc về đuối nước, chúng ta thường nghĩ đến con người, cảm xúc nhiều hơn, nhưng đối với khía cạnh kinh tế cũng là một tổn thất lớn. Tính thời gian chăm sóc của bố mẹ với chi phí của việc nuôi dạy trẻ và khi đứa trẻ mất đi về mặt kinh tế học chúng ta mất đi một người lao động trong tương lai. Đó là tổn thất của mỗi gia đình và nói rộng ra với số lượng lớn là quy mô toàn xã hội.

“Tính mạng là quan trọng nhất, cứu sống con người mang giá trị nhân văn to lớn. Chương trình Phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam vừa mang giá trị xã hội, vừa giảm thiểu tổn thất và bảo đảm hiệu quả cho nền kinh tế bền vững. Đây là điều đặc biệt quan trọng và là thông điệp cần được lan tỏa nhiều hơn nữa” – TS. Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

 Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) TS. Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ về tổn thất kinh tế từ đuối nước trẻ em. Ảnh: Trần Khánh

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) TS. Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ về tổn thất kinh tế từ đuối nước trẻ em. Ảnh: Trần Khánh

Về kết quả huy động nguồn lực và vai trò cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình, đại diện Tổ chức Swim For life cho biết, năm 2014 chỉ hỗ trợ xây lắp 2 bể bơi di động, đặt tại 2 trường. Tới năm 2024, từ nguồn kinh phí địa phương, kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa, phụ huynh đóng góp, số bể bơi tăng từ 2 lên 71 bể bơi trường học. Ban đầu dạy bơi an toàn cho 407 em tại 2 bể bơi thí điểm; tập huấn cho 19 giáo viên dạy bơi theo chương trình đào tạo của AUSTSWIM.

Sau 10 năm, đã có 15.279 học sinh được học bơi (bơi 25 m, nổi ngửa 120 giây); hơn 279 lượt giáo viên đã được tập huấn dạy bơi; 441 giáo viên tham gia tập huấn về kỹ năng an toàn; trên 80.000 trẻ em/HS tiểu học và THCS về kỹ năng an toàn; 145 biển cảnh báo tại các điểm nóng về đuối nước tại cộng đồng…

Từ hiệu quả thực tế và những kinh nghiệm rút ra, Tổ chức Swim For life đưa ra định hướng, thời gian tới cần ưu tiên hỗ trợ dạy bơi ở những địa bàn có gánh nặng đuối nước cao. Tăng cường hoạt động giáo dục, truyền thông về kiến thức và kỹ năng an toàn nước trong trường học thông qua các hình thức theo quy mô lớp học, khối lớp, ngoại khóa, liên hoan tuyên truyền viên măng non về phòng chống đuối nước...

Bên cạnh đó, hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ trong học đường để lan tỏa các thông điệp truyền thông. Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp, tham gia của cộng đồng trong các hoạt động, chia sẻ kinh phí, nhân lực... nhằm phát huy tối đa hiệu quả phòng, chống đuối nước. Trách nhiệm trong việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em không chỉ thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước mà còn liên quan đến trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Các cấp chính quyền, các bộ, ngành, đoàn thể và người dân cần phải chung tay giải quyết vấn đề này.

Hải Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-huy-hieu-qua-cua-chinh-sach-va-can-thiep-ben-vung-trong-phong-chong-duoi-nuoc-tre-em-post394856.html