Phát huy hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới

Trong tác phẩm 'Dân vận', Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: 'Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân'… 'Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân'. Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 290 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân vận.

Phát huy hiệu quả công tác dân v

 Tiếp xúc cử tri để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tiếp xúc cử tri để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Nhiều chủ trương mới

Tại Bình Thuận, qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 290, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh tăng cường chỉ đạo triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh luôn giữ mối liên hệ khá chặt chẽ từ nắm tình hình đến trao đổi, tổng hợp, xử lý các thông tin. Từ đó, đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác dân vận, công tác Mặt trận, các đoàn thể. Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một số chủ trương mới về công tác dân vận, công tác Mặt trận, các đoàn thể nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Nổi rõ, tham mưu ban hành Quyết định số 07 về Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn đến năm 2015”; Quy định số 312 về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan thuộc Khối Dân vận các cấp (tỉnh, huyện, xã); Công văn số 607 chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị thành ủy kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cấp huyện...

Bên cạnh đó, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong công tác dân vận được xác định rõ và đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành. Đáng chú ý là HĐND các cấp cụ thể hóa và ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài các nghị quyết có tính chất thường xuyên, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết được cử tri và nhân dân quan tâm như: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; quy hoạch phát triển giáo dục, y tế, giao thông nông thôn và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch… Đồng thời lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để đảm bảo tính khả thi khi ban hành các nghị quyết; kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung các nghị quyết đã ban hành cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Xem lòng dân là “quốc bảo”

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, thực hiện Quyết định 290 thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế. Đơn cử, việc phối hợp nắm tình hình nổi lên trong nhân dân chưa hiệu quả, tham mưu xử lý khi có vấn đề còn chậm và lúng túng. Ngoài ra, việc phối hợp thực hiện công tác dân vận và quy chế dân chủ trong thực hiện thu hồi đất, đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện chưa tốt; một số vấn đề, vụ việc bức xúc và kiến nghị của nhân dân giải quyết còn chậm...

Chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị (khóa X) và Quyết định số 2898 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, phương châm, phương pháp dân vận của Đảng và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ; nhất là quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Người đứng đầu các cấp phải nhận thức đúng, đầy đủ, phải thật sự quan tâm và có trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, xem lòng dân là “quốc bảo”.

Thường xuyên tổ chức rà soát, sửa đổi bổ sung các nội dung Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng ngành, từng địa phương. Trong đó chú ý phối hợp thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ trong thu hồi đất, đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, các dự án; xử lý, giải quyết các vấn đề, vụ việc bức xúc nổi lên. Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, chú ý đến quyền lợi của nhân dân. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động để tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân…

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/phat-huy-hieu-qua-cong-tac-dan-van-trong-tinh-hinh-moi-129470.html