Phát hiện sinh vật kỳ bí sống sót sau 2 tỷ năm bị nhốt trong đá

Thông tin về sự tồn tại của đàn sinh vật kỳ bí sau 2 tỷ năm bị cô lập, mở ra tín hiệu tốt cho các nhà nghiên cứu.

Theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học ở Đại học Tokyo, Nhật Bản, một đàn vi sinh vật được phát hiện còn sống sau 2 tỷ năm bị nhốt trong đá.

Phát hiện này mở ra nhiều hy vọng cho các nhà khoa học, về việc tìm thấy sự sống ở những hành tinh khác ngoài Trái Đất.

}

Đàn vi sinh vật kỳ bí được tìm thấy trong mẩu đá ở Nam Phi - Đại học Tokyo.

Sinh vật này có kích thước nhỏ bé, nằm trong lõi của 1 mẩu đá được hình thành cách đây khoảng 2 tỷ năm. Mẩu đá này dài 30 cm, thuộc một khối đá lớn mang tên Phức hợp Bushveld Igneous.

Địa điểm phát hiện khối đá tọa lạc ở vùng Đông Bắc Nam Phi, sau khi khoan xuống độ sâu 15m. Trong lõi đá, đất sét chiếm tỷ lệ cao, độ dẻo của nó được cho là nguyên nhân khiến đàn vi sinh vật nói trên không thoát ra ngoài được. Chúng như bị cô lập khỏi môi trường sống lý tưởng trong suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng, chính các thành phần trong đất sét cũng giúp chúng thu nạp nguồn dinh dưỡng để có thể tồn tại. Được biết, việc tìm được đàn vi sinh vật sống sót sau 2 tỷ năm bị cô lập đã lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Trước đó, con số kỷ lục từng được tìm thấy là 100 triệu năm.

Hiện, chi tiết quá trình tiến hóa của đàn vi sinh vật, cũng như các thông tin khác về chúng vẫn chưa được làm rõ. Nhóm nhà khoa học cho rằng, cần phải theo dõi thêm về DNA của chúng, để có thêm những thông tin mới cho cuộc nghiên cứu.

Phát hiện về nhóm vi sinh vật đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc nghiên cứu, tìm ra sự sống trên Trái Đất và các hành tinh khác. Đặc biệt, nhân loại hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào sự hồi sinh của các sinh vật tưởng chừng đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu, hàng tỷ năm.

Tôn Nghệ Trân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/phat-hien-sinh-vat-ky-bi-song-sot-sau-2-ty-nam-bi-nhot-trong-da-202410112144348689.html