Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được quy hoạch thành vườn quốc gia vào năm 2030

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) được quy hoạch thành vườn quốc gia theo Quyết định phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 12/10, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Tấn Thành – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định xác nhận, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (thường được gọi là rừng đặc dụng An Toàn ở xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển hạng thành Vườn quốc gia theo Quyết định 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 Phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025.

"Hiện chúng tôi đang đi An Toàn làm việc với Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn liên quan tới nội dung này", ông Thành cho biết.

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Ảnh: Dũng Nhân

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Ảnh: Dũng Nhân

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có diện tích hơn 22.000 ha; là khu bảo tồn duy nhất của tỉnh Bình Định, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong gìn giữ giá trị đa dạng sinh học của tỉnh và của Việt Nam mà còn trong gìn giữ môi trường nước cho tỉnh Bình Định.

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có hệ sinh thái động thực vật rừng đa dạng, phong phú. Ảnh:AL

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có hệ sinh thái động thực vật rừng đa dạng, phong phú. Ảnh:AL

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm cao nguyên An Lão, giáp với Khu bảo tồn Kon Cha Răng thuộc tỉnh Gia Lai và vùng rừng núi cao của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Khu bảo tồn nằm trong hai vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam là vùng sinh thái Rừng mưa núi cao Nam Trường Sơn và vùng sinh thái Rừng khô đất thấp Nam Việt Nam.

Cả hai vùng sinh thái nói trên đều là những vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam và thế giới, đã được nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đánh giá bởi tính đặc hữu và giá trị bảo tồn nhiều loài động thực vật quan trọng.

Cán bộ kiểm lâm Bình Định thả động vật về Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh:AL

Cán bộ kiểm lâm Bình Định thả động vật về Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh:AL

Theo kết quả báo cáo quy hoạch Bảo tồn và phát triển bền vững KhuBảo tồn thiên nhiên An Toàn (năm 2020) ghi nhận: độ che phủ thảm thực vật rừng còn rất lớn (19.832,3 ha, chiếm 88,3%) tổng diện tích tự nhiên khu bảo tồn, chủ yếu là rừng tự nhiên (19.784 ha chiếm 88,1%). Đặc biệt rừng giàu (rừng chưa qua khai thác còn tương đối nguyên sinh) là 11.727 ha,chiếm 52,2%; rừng trung bình 981,5 ha, chiếm 4,4%; rừng nghèo và rừng non là 7.074,7 ha, chiếm 31,5%;

Thảm thực rừng chủ yếu là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới kiểu rừng này có diện tích là 11.175,6 ha, chiếm 49,7% tổng diện tích khu bảo tồn.

Vùng chè ô long ở Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được khoan vùng, bảo vệ. Ảnh: Thu Dịu

Vùng chè ô long ở Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn được khoan vùng, bảo vệ. Ảnh: Thu Dịu

Các điều tra ban đầu về đa dạng sinh học trong khu vực đã thống kê được 300 loài động vật với 83 loài thú, 141 loài chim, 47 loài bò sát và 29 loài lưỡng cư. Khu hệ thực vật được đánh giá ban đầu với 547 loài thực vật bậc cao của 304 chi.

Vùng dược liệu dưới tán rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: Thu Dịu

Vùng dược liệu dưới tán rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: Thu Dịu

Ở cấp độ quốc gia, từ cấp sắp nguy cấp (VU) đến cấp cực kỳ nguy cấp (CR), Khu bảo tồn thiên An Toàn có 53 loài động vật quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam, trong đó có 9 loài cực kỳ nguy cấp; có loài thực vật quý hiếm với 6 loài nguy cấp.

Ở cấp độ quốc tế, Khu bảo tồn thiên An Toàn có 32 loài động vật quý hiếm được xếp từ bậc sắp nguy cấp đến cực kỳ nguy cấp, trong đó có 3 loài cực kỳ nguy cấp là Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons), và rùa trung bộ (Mauremysannamensis).

Cùng hệ thống đánh giá như động vật, khu hệ thực vật trong Khu bảo tồn được xác định có 8 loài quý hiếm, trong đó có 2 loài Cực kỳ nguy cấp là Trầm hương (Gió bầu - Aquilaria crassna)và Dầu Ke (Dipterocarpus kerrii).

Theo Quyết định 895/QĐ-TTg, đến năm 20230, cả nước có thêm 7 vườn quốc gia mới gồm Mường Nhé (Điện Biên), Bát Xát (Lào Cai), Xuân Liên (Thanh Hóa), An Toàn (Bình Định), Bắc Hướng Hóa, Đắk Rông (Quảng Trị), Ea Sô (Đắk Lắk). Các vườn quốc gia mới này đều được chuyển hạng từ các khu dự trữ tự nhiên, dựa trên mức độ đa dạng sinh học, giá trị đa dạng sinh học, quy mô diện tích, khu bảo tồn được phần thành cấp quốc gia và cấp tỉnh để có chính sách quản lý, đầu tư phù hợp.

Nguyễn Thị Thu Dịu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khu-bao-ton-thien-nhien-an-toan-duoc-quy-hoach-thanh-vuon-quoc-gia-vao-nam-2030-204241012122034874.htm