Phát hiện 3.000 vụ kinh doanh hàng lậu trên kênh thương mại điện tử

Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra trong năm 2021 gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết thông tin trên. Theo đó, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công An, Bộ Y Tế, Bộ Thông tin và truyền thông… cung cấp thông tin, rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Chuyển hồ sơ sang Bộ Công An xử lý nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại trên quy mô lớn cho người dân.

Hơn 7.500 gian hàng trên các sàn, website thương mại bị yêu cầu gỡ bỏ.

Hơn 7.500 gian hàng trên các sàn, website thương mại bị yêu cầu gỡ bỏ.

Năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID như kit test, thiết bị đo SPO2,.. có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.

Bộ Công Thương thừa nhận đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên một số website thương mại điện tử bán hàng hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát; Nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết.

Đồng thời, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong thương mại điện tử như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bảo vệ người tiêu dùng.... vẫn còn hạn chế.

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác chống hàng giả trong thương mại điện tử; Nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ trong hoạt động thực thi pháp luật về thương mại điện tử; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn, các chủ website thương mại điện tử đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đẩy mạnh giải quyết tranh chấp, khiếu nại trực tuyến...

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/phat-hien-3-000-vu-kinh-doanh-hang-lau-tren-kenh-thuong-mai-dien-tu-1084255.html