Phát hành trái phiếu quốc tế: Nên khai thác vốn nội trước...

Ông Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, Việt Nam nên phát hành trái phiếu trong nước thay vì phát hành trái phiếu ra quốc tế...

Nên tận dụng nguồn vốn trong nước trước

Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng (Trái phiếu Bông sen), ông Hải cho biết, nên tận dụng nguồn lực trong nước trước.

Nên giảm phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: VnEconomy

Chỉ rõ những lợi thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nói: "Nguồn lực trong nước hiện nay đang dư thừa, nguồn vốn tư nhân còn dồi dào, nếu phát hành trái phiếu Việt Nam đồng (VNĐ) ngay tại thị trường Việt Nam để hút nguồn vốn này sẽ tận dụng được nhiều lợi thế, tránh bị lãng phí".

Cụ thể hơn, cho biết, về lãi suất huy động trong nước khi huy động sẽ rẻ hơn nhiều so với lãi suất huy động từ trái phiếu quốc tế.

Trên thực tế, tính đến năm 2016, Việt Nam đã 3 lần phát hành trái phiếu quốc tế và đều được nhận định là thành công. Tuy nhiên, tôi lại đánh giá là cả 3 lần phát hành đó đều không thành công. Vì kỳ hạn huy động không dài (khoảng 10 năm), nhưng giá vốn chúng ta huy động cao hơn khá nhiều so với các nước có hệ số tín nhiệm cao (từ 6-9%).

Trong khi phát hành trái phiếu trong nước cũng với kỳ hạn 10 năm nhưng lãi suất huy động chỉ từ 6-7%.

Từ thực tế đó, Phó chủ tịch VAFI cho rằng, Việt Nam không nên hướng ngoại, chưa cần phát hành trái phiếu quốc tế ở thời điểm này.

"Các nước Đông Nam Á hầu như không có xu hướng muốn phát hành trái phiếu quốc tế, chỉ có Việt Nam là thích hướng ngoại"", ông Hải nói thẳng.

Vấn đề nữa, Phó chủ tịch VAFI đề nghị, việc huy động vốn cần đi theo hướng giảm nguồn vay Chính phủ và tăng nguồn phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp tư nhân để tận dụng tốt hơn nguồn vốn vay trong nước.

Ông Hải lý giải, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn họ sẽ tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Như vậy, trái phiếu doanh nghiệp được xác định là kênh huy động vốn có tiềm năng rất lớn, nhằm đa dạng hóa thị trường tài chính và giảm tải, đồng thời chia sẻ rủi ro với hệ thống tín dụng quốc gia.

"Phát hành trái phiếu quốc tế nghe rất oai nhưng không phải lựa chọn tối ưu nhất", ông Hoàng Hải nói thẳng.

Khó tìm người mua

Liên quan tới vấn đề lãi suất huy động, Phó chủ tịch VAFI lưu ý, khi Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc phải huy động với lãi suất cao nhưng giá trị trái phiếu có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Một quy luật bất biến trong thị trường trái phiếu đó là, việc quyết định mua ở mức giá nào còn phải phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế nước đó tốt hay không? Nếu sức khỏe nền kinh tế tốt thì lãi suất thấp họ vẫn mua, ngược lại, nền kinh tế kém thì phải chịu lãi suất cao hơn nhiều.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong bối cảnh nợ công tăng cao, việc sử dụng vốn vay được cho là chưa thật sự hiệu quả, còn nhiều lãng phí, thất thoát. Trong khi đó, trái phiếu Việt Nam còn rất mới mẻ, lạ lẫm với các quốc gia phát triển, uy tín trên thế giới. Do đó, khi phát hành trái phiếu quốc tế, Việt Nam không những phải chịu lãi cao mà còn khó tìm được nhà đầu tư mới quan tâm.

"Tôi lấy ví dụ như những lần phát hành trước đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam phải ra thị trường quốc tế tìm mua trái phiếu Việt Nam đang phát hành để đưa trở lại trong nước, không phải nhà đầu tư mới", ông Hải cho biết.

Do đó, Phó chủ tịch VAFI kiến nghị, Chính phủ nên giảm lượng phát hành trái phiếu hàng năm, khi đó lượng vốn trong nước bị dư thừa sẽ lớn hơn, việc huy động sẽ rẻ hơn.

Đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với VND

Liên quan tới vấn đề nợ công, ông Hoàng Hải cho rằng khi khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giảm vay Chính phủ thì vai trò chủ nợ không bị dồn lên Chính phủ nữa.

Khi Chính phủ "đi vay" và phải trả lãi suất cao, trong khi công tác quản lý nguồn vốn không tốt, sử dụng không hiệu quả... nguy cơ thất thoát, tham nhũng là lớn, gánh nặng nợ công ngày càng đè nặng trên vai nhà nước và người dân", ông Hải nhấn mạnh.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/phat-hanh-trai-phieu-quoc-te-nen-khai-thac-von-noi-truoc-3356549/