Phạt biệt phủ Yên Bái 500 triệu, cho tồn tại: Hỏi khó

Nếu chỉ xử phạt rồi cho tồn tại là hành vi 'hợp pháp hóa sai phạm' - quan điểm của các ĐBQH.

Không đúng bản chất

Trao đổi với Đất Việt ngày 4/12, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, lãnh đạo Yên Bái phải có nghĩa vụ giải thích rõ ràng, minh bạch trước công luận về quyết định xử phạt số tiền 500 triệu đối với biệt phủ gia đình ông Phạm Sỹ Quý rồi cho tồn tại cụ thể là như thế nào?

Biệt phủ nguy nga của gia đình ông Phạm Sỹ Quý vừa bị xử phạt 500 triệu nhưng được phép tồn tại? Ảnh: VnE

"Theo tôi, việc xử phạt là theo đúng quy định xử phạt hành chính, tuy nhiên, quyết đinh xử phạt đó là dành cho hành vi sai phạm nào? Mức độ nghiêm trọng tới đâu? Liệu có xử lý tiếp hay không?", ông Sơn đặt hàng loạt các câu hỏi.

Theo ông Sơn, nếu dựa trên những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, trong đó có liên quan tới việc chuyển đổi đất sai mục đích, không đóng thuế, xây dựng sai phép... thì quyết định xử phạt hành chính là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra còn chỉ ra một điểm mấu chốt, là sai phạm liên quan tới việc chuyển nhượng đất sai mục đích.

Cụ thể, trong quá trình bà Hoàng Thị Huệ chuyển nhượng hơn chục nghìn mét vuông đất, ông Quý đã là Phó giám đốc Sở Tài nguyên, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở, nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ ông liên quan phạm vi, lĩnh vực ông này quản lý trực tiếp.

Hành vi này được Thanh tra Chính phủ khẳng định, ông Quý đã vi phạm quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, vì theo Luật này thì ông không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Đáng nói, việc chuyển nhượng trên lại gắn với hành vi gian dối, không kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân của ông Quý khiến ông này bị xử lý. Vì vậy, phía dư luận vẫn còn băn khoăn nhiều lẽ.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đánh giá, việc xử phạt rồi cho tồn tại đối với một biệt phủ đang có quá nhiều băn khoăn là không ổn.

"Đã có nhiều dự án xây dựng trái phép, vượt phép đã được Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt, tuy nhiên, những công trình này cũng chỉ bị xử phạt rồi cho tồn tại, đây là bất cập lớn, gây bức xúc, không phù hợp với bản chất của vụ việc", ông Sơn nói rõ.

Do đó, ông Sơn cho rằng, Chủ tịch UBND Yên Bái sẽ là người phải có câu trả lời trước công luận, cụ thể về hình thức xử phạt trên là thế nào? Và khi nguồn gốc số tài sản đó vẫn còn khiến dư luận nghi ngại, chưa được minh bạch, rõ ràng thì có quyết định làm tiếp hay không?...

Phải trả lại hiện trạng ban đầu

Cùng nêu quan điểm, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cũng yêu cầu Yên Bái giải thích rõ ràng về quyết định xử phạt trên cụ thể là cho hành vi sai phạm nào. Là xử phạt cho hành vi xây dựng sai, trái quy hoạch hay xử phạt hành vi chuyển nhượng, sử dụng đất sai mục đích... nếu xử phạt thì dựa trên văn bản, quy định nào?

"Ngoài việc xử phạt hành chính, Yên Bái phải căn cứ vào từng hành vi sai phạm, dựa vào các quy định pháp luật cụ thể để xử lý. Tôi lấy ví dụ, công trình xây dựng trên có đúng quy hoạch không? Nếu không đúng quy hoạch thì bắt buộc phải trả lại đúng hiện trạng ban đầu. Trong trường hợp cho phép công trình tồn tại thì phải xác định, có phải thay đổi quy hoạch không, thẩm quyền xử lý là UBND, HĐND hay Chính phủ mới quyết định được?

Hay theo quy định xử phạt hành chính đối với hành vi xây dựng trái phép, còn quy định hình thức phạt bổ sung. Ví dụ, sau khi xử phạt hành chính thì có yêu cầu người vi phạm phải khắc phục hậu quả như phá bỏ, cắt ngọn... hay không...? Tất cả phải theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Nộp phạt là được tồn tại như vậy không khác nào cứ làm sai rồi chỉ cần nộp tiền là được tất cả, nộp phạt xong là xong. Vừa được công trình, vừa được sử dụng đất, thậm chí còn tiếp tục xây tiếp, rất bức xúc", ông Xuyền nói rõ.

Kết luận biệt phủ Yên Bái: ĐBQH hỏi sao chưa công bố?

Theo ông Xuyền, lâu nay vẫn có tình trạng làm trái pháp luật trong xây dựng là do pháp luật xử phạt không nghiêm, dẫn tới nhiều dự án sai phép, sai phạm mọc nên nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính. Điển hình là tòa nhà 8B Lê Trực, việc này đã tạo ra những tiền lệ xấu, là hình thức "hợp pháp hóa sai phạm"

"Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp một công trình xây dựng không đúng quy hoạch, không đúng quy định ban đầu thì ngoài việc nộp phạt thì phải yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu", ông Xuyền nhấn mạnh.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/phat-biet-phu-yen-bai-500-trieu-cho-ton-tai-hoi-kho-3348395/