Pháp - Anh tranh cãi về quyền đánh bắt cá trên biển: Gia tăng nguy cơ chia rẽ

Tranh cãi giữa Anh và Pháp liên quan tới quyền đánh bắt cá trên biển đang có dấu hiệu leo thang khi Paris cảnh báo sẽ xem xét lại những thỏa thuận song phương và cắt nguồn năng lượng cung cấp cho xứ sở Sương mù. Trong lúc bất đồng giữa Pháp với liên minh quân sự ba bên (AUKUS) gồm Australia, Mỹ, Anh vẫn chưa hạ nhiệt, 'tiếng bấc, tiếng chì' giữa Paris và London sẽ làm gia tăng nguy cơ chia rẽ giữa các nước vốn là đồng minh thân thiết này.

Các ngư dân Pháp cảnh báo sẽ chặn eo biển Manche nếu Anh tiếp tục không cấp phép cho thêm tàu cá hoạt động trong vòng 2 tuần tới.

Quyền đánh bắt cá trên biển là một trong những điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về thương mại sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vào tháng 1-2020. Theo thỏa thuận đã được ký kết, các tàu đánh cá của EU được phép tiếp cận vùng đặc quyền kinh tế của Anh cách bờ biển 12 hải lý. Hạn ngạch sẽ giảm dần 25% trong 6 năm. Bên cạnh đó, một số lượng tàu cá, chủ yếu của Pháp và Bỉ sẽ tiếp tục được đánh bắt ở khu vực cách bờ biển Anh 6 hải lý.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ngư dân Pháp, hoạt động đánh bắt cá của họ tại vùng biển của Anh đã bị cản trở liên quan đến những khó khăn trong quy trình cấp phép của giới chức London. Hãng tin BBC cho biết, gần đây nhất, Anh chỉ cấp giấy phép cho 12/47 hồ sơ đăng ký của tàu đánh cá Pháp vào khu vực cách bờ biển Anh 6 hải lý. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho rằng, Anh luôn đưa ra những điều kiện mới để gây cản trở và làm chậm trễ quá trình cấp phép. Hành động này không tôn trọng các cam kết trong thỏa thuận Brexit về đánh bắt cá.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Frost đã bác bỏ những tuyên bố của Pháp cho rằng London vi phạm thỏa thuận thương mại Brexit, đồng thời nhấn mạnh rằng 98% đơn của EU đối với hoạt động đánh bắt cá trong vùng biển của Anh đã được chấp thuận và nước Anh thực sự cởi mở trong vấn đề này. Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn của Vương quốc Anh (Defra) khẳng định, cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong vấn đề này hoàn toàn phù hợp với các cam kết đã đưa ra.

Theo nhận định của các nhà phân tích, nếu không được giải quyết nhanh chóng, tranh cãi giữa 2 nước sẽ lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác khiến tình hình trở nên khó kiểm soát. Hiện, các ngư dân Pháp cho rằng, họ đang bị bắt "làm con tin" bởi các tranh chấp khác giữa Pháp - Anh hoặc EU - Anh thời kỳ hậu Brexit; đồng thời cảnh báo họ có thể sẽ phong tỏa cảng phía Bắc của Calais và đường hầm eo biển Manche, hai điểm trung chuyển chính cho giao thương giữa Anh và lục địa châu Âu. Đây không phải lần đầu tiên các ngư dân Pháp sử dụng biện pháp này. Hồi tháng 5-2021, ngư dân Pháp đã đưa nhiều tàu đánh cá tập trung bên ngoài Cảng Saint Helier của đảo Jersey, một vùng tự trị của Anh, khiến hoạt động ra vào cảng bị tắc nghẽn.

Các ngư dân cũng đang kêu gọi Chính phủ Pháp ngừng nhập khẩu cá từ Anh. Nếu điều này được thực hiện, các nhà xuất khẩu thủy, hải sản tại xứ sở Sương mù sẽ chịu những thiệt hại không nhỏ. Bởi qua thống kê, 80% thị trường hải sản của Pháp là do Anh cung cấp. Ngoài ra, theo một báo cáo công bố gần đây, Pháp cung cấp tới 47% năng lượng được sử dụng tại Anh. Đây được coi là một “lá bài” quan trọng có thể giúp Paris tạo áp lực cần thiết với London.

Trước nguy cơ căng thẳng giữa Anh - Pháp gia tăng, Ủy ban châu Âu (EC) đang tích cực đưa ra những động thái nhằm hối thúc hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Theo Reuters, Người phát ngôn của EC Vivian Loonela cho biết, cơ quan này chủ trương bảo đảm cho ngư dân Pháp nhận được giấy phép cần thiết để tiếp tục hoạt động trong lãnh hải của Anh và đảo Jersey. Các nhà bình luận cho rằng, những nỗ lực của EC sẽ giúp cho mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche tránh bị “nhấn chìm” trong mùa Giáng sinh sắp tới.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1014150/phap---anh-tranh-cai-ve-quyen-danh-bat-ca-tren-bien-gia-tang-nguy-co-chia-re