Phân giới cắm mốc để 'an cư'

Thời gian qua, Việt Nam và Campuchia phấn đấu sớm hoàn thành toàn bộ phân giới cắm mốc, nhằm xây dựng đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định lâu dài và hợp tác cùng phát triển giữa 2 dân tộc, tạo điều kiện ổn định cuộc sống của nhân dân biên giới 2 nước. Nói một cách nôm na, hoàn thành phân giới cắm mốc sẽ góp phần 'an cư', để cùng 'lạc nghiệp' ở tầm vóc quốc gia.

Hành trình 24 năm

Năm 1999, hai nước Việt Nam - Campuchia chính thức nối lại tiến trình đàm phán phân giới cắm mốc đường biên giới chung theo quy định của “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia”, ký ngày 27/12/1985 (gọi tắt là Hiệp ước hoạch định 1985). Ngày 10/10/2005, hai bên ký “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985” (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung 2005).

Năm 2011, đôi bên thống nhất thuê bên thứ ba (Công ty Niras Mapping A/S của Đan Mạch) để thành lập bộ Bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1/25.000; ký “Bản ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực”, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác phân giới cắm mốc trên thực địa.

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khảo sát biên giới An Giang

Đến cuối năm 2018, hai nước hoàn thành phân giới 1.045km (đạt khoảng 84%), xây dựng 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí (chưa kể cột mốc không số cắm tại vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào) và thống nhất khung các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc đạt được.

Ngày 5/10/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen ký “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia”; chứng kiến 2 Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền 2 nước ký “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia”.

Phân giới cắm mốc đạt 84% là sự kiện trọng đại trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia, là mốc son trong lịch sử hợp tác giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ 2 nước. Theo Bộ Ngoại giao, con số này thể hiện sinh động khối lượng công việc đã triển khai, nỗ lực bền bỉ và thành quả to lớn mà 2 nước đã đạt được. Từ đó, góp phần duy trì, củng cố đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia luôn hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phát triển bền vững, vì lợi ích của hai quốc gia, cũng như hạnh phúc, thịnh vượng, phồn vinh của nhân dân hai nước.

Nỗ lực của An Giang

Câu chuyện về 16% tiếp tục được nhắc lại ở nhiều hội nghị từ Trung ương đến địa phương. Gần đây nhất là hội nghị trực tuyến “4 trong 1” do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, kết nối với vùng ĐBSCL. Phân giới cắm mốc là một trong 4 chủ đề được bàn thảo sâu tại hội nghị. Tỉnh An Giang được Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chia sẻ thông tin về biên giới dài gần 100km, khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, bảo vệ biên giới.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin, tỉnh hoàn thành khoảng 78% (trên 76km), với 37 cột mốc chính, 92 mốc phụ, 63 cọc dấu. Trong đó, phân giới trên đất liền gần 66km, trên sông 10,6km. Hiện, còn khoảng 22% chưa phân giới cắm mốc, tập trung ở TX. Tân Châu, huyện An Phú, TP. Châu Đốc. Nhìn chung, tình hình chủ quyền, lãnh thổ, biên giới vẫn đang được giữ vững, không để xảy ra vụ việc phức tạp, căng thẳng.

“Tỉnh duy trì quản lý biên giới theo hiện quản; chủ động phối hợp lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia duy trì thực hiện các hiệp định, hiệp nghị, thông cáo báo chí, quy chế biên giới và các văn bản thỏa thuận hai bên đã ký kết; cùng nhau phối hợp bảo vệ nguyên trạng đường biên mốc giới. Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tình hình có liên quan, góp phần xây dựng, củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Tại hội nghị này, An Giang đề xuất Chính phủ tiếp tục đàm phán, thỏa thuận với Vương quốc Campuchia hoàn thành phân giới cắm mốc 22% còn lại, tạo điều kiện thuận lợi quản lý, bảo vệ biên giới; cùng thống nhất, trao đổi với nước bạn trong công tác thực hiện kè, bảo vệ đường biên giữa 2 quốc gia” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương những kết quả mà vùng ĐBSCL đạt được đối với công tác phòng, chống tội phạm (ma túy, buôn bán người); buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác lãnh, chỉ đạo, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; phân giới cắm mốc. Đặc biệt, biểu dương tỉnh An Giang về quá trình nỗ lực xử lý các vấn đề liên quan đến biên giới tại rạch Bình Ghi (còn gọi là Bình Di).

“Về tổng thể, ĐBSCL đóng vai trò rất lớn cho an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản; cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, ĐBSCL gặp “thiệt thòi” về hạ tầng giao thông, tác động của biến đổi khí hậu nặng nề. Những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Chính phủ ghi nhận, sẽ rà soát, có sự điều chỉnh phù hợp. Cuộc họp này không phải là “cây đũa thần”, có thể giải quyết ổn thỏa mọi chuyện. Nhưng sẽ giúp tháo gỡ, giải quyết một số việc tốt hơn; các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn, cố gắng và nỗ lực trong 4 vấn đề nêu trên. Nơi nào, địa phương nào quan tâm nhiều, nơi đó sẽ tốt hơn” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý.

Theo Bộ Ngoại giao, hiện nay, Việt Nam và Campuchia phấn đấu ưu tiên hoàn thành 6% trong tổng số 16% còn lại. Ở ĐBSCL, còn 87km đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành, còn tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An đang trong quá trình “chạy nước rút”. Trong thời gian này, các địa phương cần tiếp tục duy trì sản xuất, quản lý và bảo vệ biên giới theo hiện trạng; vận động người dân thực hiện đúng quy định về biên giới.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phan-gioi-cam-moc-de-an-cu--a367442.html