Phấn đấu thắng lợi vụ Xuân ngay từ đầu năm

Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn song với nỗ lực, quyết tâm cao, ngành Nông nghiệp vẫn giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong sản xuất. Tốc độ giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 3,54%, vượt kế hoạch đề ra. Bước sang năm 2024, ngành tiếp tục phấn đấu giành thắng lợi vụ Xuân - vụ sản xuất đầu tiên của năm.

Ứng dụng máy cấy vào sản xuất vụ Xuân 2024 ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.

Tập trung nguồn lực

Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích trồng rau vụ Đông, gia đình ông Hà Ngọc Nhạ ở xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba đã lấy nước, thuê cày máy để kịp làm đất sản xuất vụ Xuân. Ông Nhạ chia sẻ: “Đối với người nông dân chúng tôi, vụ Xuân xưa nay vẫn được coi là vụ chính trong năm. Để được mùa, bên cạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, việc cấy đúng lịch là yếu tố rất quan trọng. Vụ Xuân này, nhà tôi cấy hơn 12 sào, đều vào trà Xuân muộn. Sau khi làm đất xong, gia đình tôi sẽ bỏ thêm phân xanh tự ủ, ngâm bùn một thời gian trước khi bừa mượt để tăng dinh dưỡng cho đất, giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh”.

Theo kế hoạch, vụ Xuân 2024, toàn tỉnh gieo cấy trên 35,3 nghìn ha, trong đó diện tích lúa lai khoảng 12,6 nghìn ha, lúa chất lượng cao hơn 20,8 nghìn ha, còn lại là các giống lúa khác. Các giống được gieo cấy chủ yếu đã qua khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh, được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để tránh rét đầu vụ và lũ tiểu mãn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, vụ Xuân được bố trí gieo cấy tập trung chủ yếu vào trà Xuân muộn (chiếm 98% diện tích), trong đó trà Xuân sớm, các địa phương cơ bản gieo cấy xong, trà một Xuân muộn bà con nông dân đã hoàn thành việc làm đất, gieo mạ, chuẩn bị cấy.

Đối với trà hai, các địa phương đang đôn đốc nông dân tập trung nhân, vật lực thu hoạch nốt vụ Đông, làm đất, gieo mạ từ 25/1-5/2. Bên cạnh cây lúa, vụ Xuân toàn tỉnh cũng sẽ gieo trồng 5,2 nghìn ha ngô, 4,8 nghìn ha rau xanh, chú trọng mở rộng, phát triển diện tích ngô sinh khối, ngô ngọt hàng hóa, các loại rau có giá trị cao.

Ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Ba cho biết: “Trên cơ sở chủ trương, định hướng của tỉnh, UBND huyện Thanh Ba đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với thực tế nhằm cấy hết diện tích theo kế hoạch. Đồng thời yêu cầu các xã chỉ đạo bà con thực hiện tốt cơ cấu trà, giống, gieo mạ đúng khung lịch thời vụ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai gắn với xây dựng cánh đồng một giống để áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật. Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, phân bón hữu cơ tự ủ từ nguồn phế phụ phẩm sau thu hoạch, thâm canh lúa cải tiến SRI nhằm giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện tốt việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu tập trung, hạn chế bỏ ruộng, tích tụ đất đai sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...”

Để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp cũng đã yêu cầu Công ty TNHH nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo các xí nghiệp tu bổ, sửa chữa hệ thống kênh mương dẫn nước; trữ nước tại các hồ đập, ký kết hợp đồng tưới tiêu với các địa phương, chuẩn bị đầy đủ vật tư để bơm nước tưới, bảo đảm cung cấp đủ nước cho sản xuất. Các huyện, thành, thị cũng đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, tuyệt đối không tháo nước để khai thác thủy sản.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau hữu cơ mang lại lợi nhuận trên 2,5 tỉ đồng/năm cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Ngân Hà, xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Trong vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như cánh đồng lớn cấy lúa chất lượng cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; chăn nuôi an toàn sinh học; sản xuất, nâng cao chất lượng chè, bưởi theo tiêu chuẩn GAP... Điển hình là các mô hình liên kết trồng, tiêu thụ chuối Tây ở các xã Vĩnh Chân, Lang Sơn, Đan Thượng, huyện Hạ Hòa với tổng diện tích khoảng 110ha, cho lợi nhuận gần 20 tỉ đồng/năm; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ tại xã Thanh Minh, thị xã Phú Thọ với quy mô 4ha, lợi nhuận trên 2,5 tỉ đồng/năm; mô hình sản xuất lúa, gạo chất lượng cao tại xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, quy mô hơn 200ha, lợi nhuận hơn 15 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, còn một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô hiệu quả thấp sang trồng chuối xuất khẩu như ở xã Dân Quyền, huyện Tam Nông... Các mô hình trên tiếp tục được khuyến khích nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Để đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, cùng với dồn đổi ruộng đất, các huyện, thành, thị cũng khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh chuyển đổi từ đất canh tác lúa, ngô kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Trong năm 2023, đã có gần 830ha tại chín huyện, thành phố chuyển đổi, phát huy được hiệu quả. Dự kiến trong năm nay, toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi trên 885ha.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 22) về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện hiệu quả với gần 43 tỉ đồng được giải ngân. Nghị quyết 22 đã góp phần đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, tạo tâm lý yên tâm cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 27 mã số vùng trồng bưởi và chuối phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích xấp xỉ 665ha, 224 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu cho nhiều loại cây trồng với tổng diện tích trên 3.380ha. Năm nay, ngay từ vụ Xuân, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, thẩm định, cấp mã số vùng trồng, giúp người sản xuất thuận lợi trong tiêu thụ nông sản.

Đồng chí Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, có lợi thế của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa; liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị thương mại cho nông sản... Đồng thời, khuyến khích bà con đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm theo yêu cầu thị trường, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm và cả nhiệm kỳ.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phan-dau-thang-loi-vu-xuan-ngay-tu-dau-nam-nbsp/205409.htm