Phấn đấu giữ mức nợ quá hạn tín dụng chính sách không quá 2%

Ngày 1-10, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thực hiện ủy thác cho vay chính sách xã hội giai đoạn 2015 - 2020.

Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Đỗ Thị Thu Thảo, Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Văn Đạo, Phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai có sự tham gia của đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách với tổng số tiền cho vay trên 334 ngàn tỷ đồng. Có 4 hội, đoàn thể được nhận ủy thác từ nguồn vốn này, gồm Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội LHPN.

Cùng với hơn 10 ngàn điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, 4 tổ chức nhận vốn ủy thác đã xây dựng 173,7 ngàn tổ tiết kiệm - vay vốn để phục vụ cho 6,5 triệu người vay vốn chính sách. Bình quân mỗi người dân được vay 34 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với đầu năm 2015.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, thông qua hoạt động ủy thác cho vay tín dụng chính sách đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thông qua hoạt động ủy thác cho vay tín dụng chính sách đã hạn chế, đẩy lùi cho vay nặng lãi.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, trong quá trình thực hiện ủy thác cho vay tín dụng chính sách cũng bộc lộ một số hạn chế, như: người làm công tác cho vay ủy thác tại các đơn vị thay đổi liên tục nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều hành, thực hiện cho vay tín dụng chính sách. Không ít địa phương chưa thực hiện tốt việc phối hợp, kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay, thu hồi vốn của người dân. Cả nước còn hơn 5,6 ngàn đơn vị cấp xã chưa xây dựng được mạng lưới ủy thác tín dụng chính sách…

Để hạn chế những bất cập còn tồn tại, đồng thời đạt được mục tiêu nợ quá hạn tín dụng chính sách cả nước không quá 2%, thu hồi nợ đến hạn đạt 90%..., Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp để đưa ra nhiều giải pháp.

Trong đó, có việc tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của người dân. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách. Hỗ trợ người vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay thông qua lồng ghép, kết hợp với những chương trình giảm nghèo. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tín dụng chính sách trong toàn hệ thống…

Tại Đồng Nai, trong giai đoạn 2015-2020, 4 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh đã nhận ủy thác hơn 4,6 ngàn tỷ đồng để cho gần 228 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tính đến tháng 9-2020, nợ quá hạn của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là 7,3 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với năm 2014.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202010/phan-dau-giu-muc-no-qua-han-tin-dung-chinh-sach-khong-qua-2-3024255/