Phấn đấu đưa tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng vào khai thác trong năm 2024

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, đơn vị đang trình cấp có thẩm quyền thống nhất, cho chủ trương phấn đấu đưa tuyến phà biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh - Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vào khai thác trong năm 2024. Tuyến phà sẽ có tối thiểu 2 phương tiện.

Về cầu bến, đầu bến phía huyện Cần Giờ do huyện quản lý. Tại đây, hiện có cầu bến bằng bê tông cốt thép, kích thước cầu bến dài 17 m, rộng 5 m, kết nối vào bờ bằng 2 cầu dẫn bê tông cốt thép, với kích thước 1 cầu dẫn dài 28 m, rộng 3,5 m. Đối với đầu bến huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), UBND huyện Gò Công Đông sẽ đầu tư xây dựng đoạn đường dài khoảng 100 m từ bến phà đến đường huyện 10 vào Chợ đầu mối thủy hải sản Vàm Láng.

Được biết, tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ kết nối cùng với tuyến phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ, khi đó người dân từ tỉnh Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng đi TP. Hồ Chí Minh, TP. Vũng Tàu có thêm lựa chọn hình thức vận tải mới, rút ngắn được quãng đường (khoảng 70 - 80 km) và thời gian di chuyển (khoảng 45 - 60 phút) so với đi đường bộ đi theo hướng phà Cần Giờ - Cần Giuộc (tỉnh Long An) trước đây.

Theo thỏa thuận và chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang và UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng và Sở GTVT tỉnh Tiền Giang là cơ quan phối hợp.

Để sớm đưa vào khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm phối hợp, đôn đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh sớm hoàn chỉnh báo cáo đề xuất phương án khai thác tuyến Cần Giờ - Vàm Láng trình cấp có thẩm quyền thống nhất, cho chủ trương thực hiện các bước tiếp theo, phấn đấu đưa vào khai thác trong năm 2024.

“Có thể nói, tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng là tuyến vận tải được kỳ vọng góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, tuyến vận tải này được định hướng kết nối tuyến đường bộ ven biển, góp phần phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng giữa các tỉnh. Cùng với đó, tăng cường khả năng vận chuyển, lưu thông hàng hóa khu vực ven biển, mở ra khả năng hội nhập về kinh tế giữa các vùng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển dịch vụ logistics và thương mai, du lịch”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết thêm.

VIỆT LONG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202401/phan-dau-dua-tuyen-pha-bien-can-gio-vam-lang-vao-khai-thac-trong-nam-2024-1002601/