Phải tạo được cơ chế, chính sách đặc thù thực sự đột phá, vượt trội
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10.11, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, việc sửa đổi Luật lần này sẽ tạo đột phá trong phát triển Thủ đô Hà Nội. Muốn vậy, trong dự thảo Luật cần có những cơ chế, chính sách đặc thù thực sự vượt trội và có thể triển khai ngay, để phát triển Hà Nội trở thành hình mẫu một đô thị đặc biệt - thông minh, hiện đại, có bản sắc và sức lan tỏa, thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Cần làm rõ kết quả "đầu ra" của những cơ chế, chính sách mới
“Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước. Trái tim có đập được những nhịp đập mạnh mẽ thì cơ thể của cả nước mới có thể phát triển cường tráng và thịnh vượng”. Khẳng định điều này, ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) nhấn mạnh, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự bứt phá phát triển của Thủ đô.

Các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thảo luận dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Trọng Quỳnh
Cho rằng Hà Nội không phải là "một tỉnh hay một địa phương mà là Thủ đô của cả nước", là hình ảnh đại diện cho cả quốc gia, mang tính hình mẫu, đóng vai trò dẫn dắt và có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả nước, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu rõ, Hà Nội phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung của đất nước. Do vậy, dự thảo Luật cần có những cơ chế, chính sách thực sự đặc thù, mang tính riêng có nhằm tạo ra sức hút riêng của Thủ đô để thu hút các nguồn lực cho phát triển. Dự thảo Luật cần tạo ra khung khổ pháp lý rộng hơn, mang tính bao trùm trong hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển cao hơn cho Thủ đô. Chính vì vậy, đại biểu tán thành với quy định tại Điều 4 dự thảo Luật về điều kiện áp dụng Luật Thủ đô là: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”; “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó”.
Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cùng những yêu cầu cao hơn đặt ra đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, các đại biểu nhấn mạnh, cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật cần phải thực sự đột phá, vượt trội hơn so với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho những địa phương khác. Hiện nay, cả nước đã có 9 địa phương có cơ chế đặc thù. Nêu thực tế này, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, sửa đổi Luật lần này là cơ hội rất lớn để tạo bước đột phá trong phát triển Thủ đô gắn với đặc thù về vị trí địa lý - chính trị của Hà Nội rất khác so với các địa phương khác. Do đó, các cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật cần gắn liền với những đặc thù của Thủ đô Hà Nội, xét về các khía cạnh ví trí địa lý - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa…, nhằm tạo ra được sự phát triển xứng tầm với vai trò, vị trí và yêu cầu đặt ra với Hà Nội.
Luật Thủ đô hiện hành đã có nhiều ý tưởng hay nhưng hiệu quả trên thực tế còn ở chừng mực nhất định. Đặt vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, để dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình ra Quốc hội lần này có tính thuyết phục hơn, Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ được kết quả "đầu ra" của dự án Luật. "Đối với toàn bộ hệ thống chính sách mới như vậy, những ý tưởng mới như vậy, những quy định sáng tạo như vậy thì kết quả sẽ đem lại là gì? Người dân Thủ đô chắc chắn muốn nghe, với những quy định mới trong lộ trình thực hiện thì kết quả mang lại đối với người dân, đối với phát triển kinh tế - xã hội là như thế nào?...", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Trao quyền lớn hơn cho chính quyền Thành phố
Góp ý về chính quyền Thủ đô, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, không giống với nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương khác là chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương, chính quyền Thủ đô phải giải quyết những vấn đề của Thủ đô và cả những vấn đề quốc gia đặt ra với Hà Nội với vai trò, nhiệm vụ là Thủ đô. Do vậy, HĐND TP. Hà Nội cần có lực lượng đại biểu đông hơn, chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng phải nhiều hơn và tiêu chuẩn đối với người tham gia ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội cũng phải cao hơn so với những địa phương khác.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Trọng Quỳnh
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cùng với việc trao quyền lớn hơn cho chính quyền thành phố thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền thành phố cũng phải cao hơn. Cùng với đó, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng phải cao hơn và dự thảo Luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cũng đề nghị, dự thảo Luật cần thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ hơn, giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền Thành phố. Nội dung, phạm vi, đối tượng và cơ chế phân cấp, ủy quyền cần gắn với chế độ trách nhiệm. Đặc biệt, cần quy định "mức đặc thù cao hơn để Hà Nội phát triển đúng tầm là Thủ đô văn hiến, thành phố vì hòa bình".
Nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội theo hướng giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho Thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật.
Về số lượng biên chế, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phướng hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.
Do đó, cần những nội dung quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc cơ quan nào có thẩm quyền quyết định biên chế, nguồn biên chế dự phòng được lấy từ nguồn nào?... Nếu quy định như dự thảo, “giao cho HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm”, thì đại biểu Tạ Thị Yên thấy rằng chưa rõ ràng, cụ thể. Nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thành phố. “Quy định như vậy sẽ giúp Thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương”, đại biểu nói.