Phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream: Hai tâm điểm của cuộc điều tra

Vào ngày 26/9/2022, hai vụ nổ lớn dưới nước đã phá hủy đường ống dẫn khí đốt Nordstream 1 và Nordstream 2, được xây dựng dưới lòng Biển Baltic để vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức. Vài tháng sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, biểu tượng minh chứng rằng châu Âu lệ thuộc vào năng lượng của Nga đã bị phá hủy. Liệu một ngày nào đó, chúng ta có biết ai đứng đằng sau vụ tấn công này không? Hai phương tiện truyền thông Đức là tạp chí Der Spiegel và kênh ZDF đã tiến hành điều tra trong nhiều tháng.

Những đường ống dẫn khí này có phần nào đó giống như sợi dây nối liền Đức với Nga, để Đức có nguồn cung năng lượng giá rẻ - một lợi ích lâu dài đối với những sản phẩm được sản xuất tại Đức. Nord Stream 1 có chiều dài 1.200 km, được ghép nên từ 200.000 đoạn ống khác nhau và được đặt dưới đáy Biển Baltic. Kể từ năm 2012, khí đốt lưu thông trong hai ống dẫn song song với lưu lượng lên đến 60 tỷ m3/năm, chiếm 16% nguồn cung của châu Âu vào năm 2018. Cùng năm đó, công tác xây dựng Nord Stream 2 bắt đầu, bao gồm ống dẫn vận chuyển 55 tỷ m3/năm. Đường ống được hoàn thành vào tháng 9/2021, nhưng sẽ không bao giờ được đưa vào sử dụng.

Quan hệ với Ukraine

Tầm 20 nhà báo từ tạp chí Der Spiegel và đài truyền hình công cộng ZDF, hiện đang công tác tại những quốc gia khác nhau, đã thực hiện một nghiên cứu đầy ấn tượng. Kết quả điều tra: Một chiếc thuyền du lịch được thuê tại một cảng của Đức vào tháng 9/2022 và mọi dấu vết manh mối đều hướng đến Ukraine. Các chuyên gia tin rằng, nếu kiểu hoạt động tấn công vào hai đường ống dẫn khí đốt được thực hiện bằng một chiếc thuyền như vậy, thì sẽ ít gây chú ý hơn.

Mỹ cảnh báo Ukraine

Các nhà điều tra từ văn phòng công tố Đức đã kiểm tra con thuyền Andromeda - đối tượng bị nghi vấn từ đầu năm nay, và tìm thấy dấu vết của chất nổ trên đó. Các nhà báo Đức cũng cho biết rằng cuộc tấn công này là một điều hoàn toàn không bất ngờ. Trên thực tế, cơ quan mật vụ Hà Lan và Mỹ đã tiết lộ thông tin về một cuộc tấn công như vậy từ trước mùa hè năm 2022, họ cũng cho rằng Ukraine là nước đầu têu. Washington thậm chí có thể đã liên hệ với Kiev để ngăn cản nước này tham gia vào một hành động như vậy. Der Spiegel và ZDF đã phỏng vấn một vài cơ quan chính quyền của Đức. Họ cũng đã xác nhận có dấu vết của Ukraine. Nhưng phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ chối bình luận về bất kỳ suy đoán nào.

Nếu Ukraine thật sự đứng đằng sau chuyện này, thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Nếu chứng minh được rằng trách nhiệm thuộc về Kiev thì việc hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến năm 2022 sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhưng dù có xác nhận được trách nhiệm, thì chúng ta cũng cần phải biết là ai đã làm việc này? Là chính quyền, là các cơ quan mật vụ ra tay mà không thông báo cho Tổng thống Zelensky, hay là một biệt kích đơn phương hành động?

Kịch bản xứng danh “phim kinh dị chính trị”

Nhiều luận điểm khác đã được đề ra. Một nhà báo Mỹ đã quay lại cáo buộc chính đất nước của ông, rằng Mỹ muốn ngăn chặn hành vi “tống tiền khí đốt” của Nga đối với Đức. Nhưng bằng chứng cho việc này thì còn hiếm hoi hơn. Một số người đã đề cập đến số lượng hoạt động di chuyển đáng kể của tàu Nga tại Biển Baltic vào mùa hè năm 2022. Thế nhưng, vì sao Moscow lại làm nổ tung cơ sở hạ tầng của mình, trong khi Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt bất cứ lúc nào? Để đòi bảo hiểm và bồi thường? Để dễ buộc tội Ukraine hơn, bằng cách ngụy dấu vết gần như hoàn hảo với con tàu Andromeda? Có rất nhiều suy đoán về một chiến dịch, với chiều sâu tương xứng với một bộ phim kinh dị chính trị phi thường. Ai biết được, có lẽ một ngày nào đó, kịch bản sẽ được đưa lên màn ảnh chăng?

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/pha-hoai-duong-ong-dan-khi-dot-nord-stream-hai-tam-diem-cua-cuoc-dieu-tra-693030.html