Pakistan: Những thách thức còn ở phía trước
Cuộc bầu cử đầu tiên sau 5 năm một lần nữa phô bày sự chia rẽ trong nền chính trị của đất nước Nam Á khi chính phủ liên minh mới có thể quá yếu để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề của đất nước.
Kết quả chia rẽ
Ngày 11/2, Ủy ban Bầu cử Pakistan (ECP) đã chính thức công bố kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2024 diễn ra tại nước này hôm 8/2. Theo kết quả bầu cử 266 ghế mới tại Quốc hội, các ứng cử viên độc lập giành được 101 ghế, đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif được 75 ghế và đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cựu Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari được 54 ghế.
Đây là 2 chính đảng dành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử. Trong khi đó, đảng Phong trào Muttahida Qaumi được 17 ghế, đảng Jamiat Ulama-e-Islam Pakistan nhận được 4 ghế, Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (TTP) giành được 3 ghế, đảng Istehkam-e-Pakistan và đảng Dân tộc Balochistan mỗi đảng giành được 2 ghế. Một số đảng còn lại mỗi đảng giành được 1 ghế trong Quốc hội.
Quốc hội mới được bầu sẽ bầu ra thủ tướng. Theo quy định, trong trường hợp không có đảng nào giành được đa số tối thiểu (169 ghế/336 ghế của Quốc hội) thì sẽ phải thành lập chính phủ liên minh. Kết quả cuộc bỏ phiếu đã cho thấy sẽ phải có một chính phủ liên minh nếu như không muốn tiến hành bầu cử lại. Đáng chú ý là, liên minh được đánh giá cao nhất trước cuộc bầu cử đã không đạt được chiến thắng như dự đoán.
Gọi là “liên minh” nhưng thực tế đây là đảng Tehreek-e-Insaf (PTI) do cựu thủ tướng đang bị bỏ tù và anh hùng cricket Imran Khan đứng đầu. Các ứng viên của PTI phải tranh cử với tư cách độc lập sau khi Tòa án Tối cao Pakistan ra phán quyết vào tháng 1/2024 tước quyền tham gia bầu cử của PTI.
Trước đó, ngày 22/12/2023, ECP đã tước bỏ biểu tượng gậy cricket của PTI với lý do đảng chưa tổ chức bầu cử nội bộ - theo quy định của pháp luật. Điều này khiến PTI không đủ điều kiện để có biểu tượng cho cuộc bầu cử năm 2024. Cuộc bầu cử nội bộ gần nhất do PTI tiến hành từ ngày 8/6/2022 đã không được ECP công nhận với lý do không “công bằng và chính đáng”. Những người ủng hộ PTI coi đây là một nỗ lực có chủ ý nhằm hạn chế sự thành công của đảng trong cuộc bầu cử năm nay. Luật sư Syed Ali Zafar của PTI cho biết: “Gậy cricket đã bị thu hồi một cách bất công thông qua một lệnh bất hợp pháp”.
Việc mất biểu tượng đã làm ảnh hưởng tới sức lan tỏa của PTI bởi nó gợi nhớ đến thành công của ông Khan trong tư cách là một cựu ngôi sao cricket nổi tiếng từng dẫn đầu đội tuyển Pakistan vô địch thế giới lần duy nhất vào năm 1992. Với 40% dân số mù chữ, hình ảnh biểu tượng được cho là cách đơn giản nhất để các cử tri nhận ra chính xác đâu là đảng mình ủng hộ. Raoof Hasan, người phát ngôn chính của PTI và cựu trợ lý đặc biệt của ông Khan trả lời báo chí ngay trước cuộc bầu cử cho biết: “Biểu tượng bầu cử là một phần không thể thiếu của các cuộc bầu cử công bằng”. “Nó (hành động cấm biểu tượng) đang phá nát bữa tiệc”.
Việc PTI bị cấm dùng biểu tượng chung đã buộc các ứng cử viên của họ phải ứng cử với tư cách độc lập. Những người này đã phải sử dụng một loạt biểu tượng khác nhau, từ tàu lượn siêu tốc đến con dê để thu hút sự chú ý của cử tri dành cho mình. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến cho PTI không đạt được 170 ghế quốc hội như dự đoán ban đầu. Theo những nhà lãnh đạo PTI, lẽ ra họ có thể tự mình thành lập chính phủ, nhưng giờ đây họ cần có sự hỗ trợ của liên minh để làm điều đó. Trong khi các bên bắt đầu thảo luận để thành lập chính phủ mới, PTI lại quay sang cáo buộc chính phủ hiện tại thao túng kết quả bầu cử. Lãnh đạo đảng, ông Imran Khan, người đã bị bỏ tù sau khi bị kết tội tham nhũng từ năm 2022, đã nhiều lần tuyên bố rằng PTI sẽ từ chối tham gia chính phủ liên minh và sẽ tiến hành “đấu tranh để đòi lại sự công bằng cho người dân”.
Ngoài việc bị “chèn ép”, PTI còn cáo buộc ECP “gian lận” khi kết quả bầu cử đến muộn bất thường bất chấp thời hạn đặt ra trước đó. Theo đó, ECP đúng ra phải đưa ra kết quả từ chiều ngày 10/2 nhưng đến tận sáng 11/2, kết quả mới được thông báo, chậm hơn 10 tiếng đồng hồ. PTI cáo buộc rằng kết quả bầu cử đã bị giả mạo để từ chối chiến thắng của họ. Một số ứng cử viên đã bắt đầu hành động pháp lý khi yêu cầu tòa án cấp bang ra lệnh hoãn lại kết quả cuối cùng. Trong khi đó, những người ủng hộ thậm chí còn kêu gọi những cuộc xuống đường đề đòi lại công bằng. Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu cũng yêu cầu một cuộc điều tra về những cáo buộc của PTI.
Liên minh yếu
Thất bại của PTI đưa cơ hội cho PML-N và PPP, hai đảng chính thức dành nhiều ghế nhất tại Quốc hội mới của Pakistan. Thực tế PML-N đang là đảng nắm quyền điều hành đất nước khi chủ tịch đảng là ông Shehbaz Sharif được bầu làm thủ tướng lâm thời từ 11/4/2022 sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của ông Imran Khan. PML-N và PPP là 2 đảng chính trong liên minh đối lập đã góp phần hạ bệ ông Khan.
Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, chính phủ do ông Shehbaz Sharif cũng không thực sự làm tốt công việc của mình. Trong 2 năm qua, kinh tế Pakistan lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với lạm phát đang tăng vọt ở mức gần 30%, đồng rupee giảm mạnh và thâm hụt cán cân thanh toán dẫn đến việc ngừng nhập khẩu, đẩy nền kinh tế vào tình trạng đình trệ. Kết quả cuộc bầu cử hôm 8/2 vừa qua cũng phản ánh tín nhiệm xuống thấp của ông Shahbaz Sharif khi PML-N bị mất 7 ghế so với cuộc bầu cử năm 2018. Do đó, dù vẫn tiếp tục thỏa thuận được liên minh cầm quyền với PPP nhưng PML-N sẽ yếu hơn khi phải chia sẻ quyền lực và phải giao vị trí tổng thống (vị trí lãnh đạo cao nhất có tính biểu tượng đất nước) cho PPP.
Một thỏa thuận được công bố hôm 20/2 cho biết, 2 đảng đã thống nhất về một "công thức" chia sẻ quyền lực. Ông Shahbaz Sharif sẽ là ứng cử viên chung cho cương vị thủ tướng, trong khi đồng Chủ tịch PPP, ông Asif Ali Zardari sẽ là ứng cử viên cho vị trí tổng thống mới được trình lên Quốc hội. Trong khi đó những đảng nhỏ sẽ tập hợp quanh PML-N và PPP để đảm bảo liên minh có đủ 169 ghế cần thiết để giữ đa số tối thiểu tại Quốc hội Pakistan. Quốc hội mới của Pakistan sẽ nhóm họp lần đầu ngày 29/2 tới đây và phê duyệt những đề cử này.
Ưu thế của chính phủ mới do PML-N lãnh đạo sẽ là sự ủng hộ của quân đội, lực lượng đã luôn đứng sau PML-N từ thời của cựu thủ tướng 3 nhiệm kỳ, ông Nawaz Sharif (anh trai của ông Shahbaz Sharif, người đã rời khỏi đất nước khi bị ông Khan đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2014). Tuy nhiên, nền kinh tế yếu kém của Pakistan và tình trạng bạo lực gia tăng do những cáo buộc gian lận, lạm quyền sẽ là vấn đề lớn cho chính phủ tương lai. PML-N được cho là đứng sau những cuộc “tấn công” nhằm vào PTI trong suốt 3 năm qua.
Việc PTI nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân trong khi PML-N nhận được sự ủng hộ của quân đội đã gây ra tình thế đối đầu căng thẳng trong nước. Tình hình an ninh của Pakistan trong thời gian qua cũng xấu đi với sự gia tăng tấn công của các tổ chức Hồi giáo (do thường xuyên bị quân đội đàn áp). Nhà nước Hồi giáo IS lợi dụng tình hình bất ổn đang hoạt động mạnh ở các khu vực biên giới phía Tây của đất nước, đặc biệt là ở các tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan. Về đối ngoại, căng thẳng với Iran và Afghanistan cũng ngày càng gia tăng khi quân đội Pakistan có những hành động cứng rắn gần khu vực biên giới. Chính vì thế, không có nhiều tín hiệu lạc quan được phát đi khi tin chính phủ liên minh mới được thành lập.
Farhan Bokhari, một nhà phân tích kinh tế cho biết: "Đây là thời điểm rất khó khăn trong lịch sử kinh tế Pakistan. Chính phủ được bầu sẽ buộc phải đưa ra những lựa chọn không được lòng dân để đủ điều kiện nhận khoản vay mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế". Trong khi đó, ông Michael Kugelman, Giám đốc Nam Á tại Trung tâm Wilson, cho biết: “Liên minh mới sẽ thiếu không gian chính trị để thực hiện cải cách” và buộc phải “chú ý đến các cáo buộc gian lận và có thể sẽ gặp nhiều áp lực từ phương Tây để tiến hành một cuộc điều tra hậu bầu cử”.
Nhà nghiên cứu Madiha Afzal, một thành viên tại Viện Brookings nhận định: “Chính phủ liên minh mới yếu kém và không ổn định do những bất đồng có thể xuất hiện giữa PML-N và PPP”. Bởi, bất chấp việc nhận lời tham gia liên minh cầm quyền, PPP cũng cho biết lần này họ sẽ không giữ bất cứ ghế bộ trưởng nào và sẽ chỉ ủng hộ thủ tướng "trên cơ sở từng vấn đề một", làm dấy lên lo ngại rằng liên minh này sẽ yếu hơn liên minh cũ. Sự ủng hộ của quân đội là mấu chốt trong việc giữ gìn an ninh của đất nước, nhưng ngược lại, nó thách thức “mục tiêu xây dựng sự ủng hộ rộng rãi của công chúng cho hoạt động chống khủng bố” vì “chính phủ mới này khó có thể được lòng dân nhiều", trích câu trả lời của ông Michael Kugelman trên báo DW của Đức.