Ông Trump tuyên bố có quyền lực 'tuyệt đối' để ra lệnh các công ty Mỹ

Tổng thống Mỹ gây chú ý bằng biện pháp phi thuế quan mới, khẳng định sẽ dùng 'quyền tuyệt đối' theo luật để ra lệnh các công ty Mỹ ngừng kinh doanh tại Trung Quốc.

Ông Trump viện dẫn Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp năm 1977 để thực thi lời kêu gọi các công ty Mỹ chuyển rời hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc. Các chuyên gia nghi ngờ sự phù hợp của việc này, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu quyền lực có đang tập trung quá nhiều vào người đứng đầu Nhà Trắng?

Làn sóng trả đũa thương mại tiếp tục được châm ngòi từ phía Trung Quốc khi Bắc Kinh tuyên bố áp lệnh thuế mới đánh trên 75 tỷ USD của Mỹ cuối tuần qua. Đáp lại, ông Trump tuyên bố tăng thêm 5% trên tất cả mức thuế hiện hành với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ còn đưa ra một biện pháp phi thuế quan mới khi đăng tải trên Twitter hôm 23/8: "Tôi ra lệnh cho các doanh nghiệp Mỹ tìm phương án rút khỏi thị trường Trung Quốc, bao gồm việc đưa công ty trở lại Mỹ và sản xuất sản phẩm tại Mỹ".

Khi chuẩn bị rời Nhà Trắng để tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp, ông Trump phát biểu với các phóng viên: "Tôi có quyền tuyệt đối để làm điều đó, nhưng hãy quan sát xem, nó sẽ diễn ra như thế nào”.

Khi giới phân tích còn nghi ngờ lời nói của ông, trong chuỗi các dòng Tweet sau đó, tổng thống Mỹ đã tham chiếu Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải thích cho tuyên bố của mình. Dòng tweet đăng tải trên trang cá nhân của ông Trump viết: "Tất cả phóng viên tin giả đều không nắm rõ quyền lực tổng thống hay Trung Quốc, vậy hãy thử nghía qua Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977. Vấn đề này coi như đã rõ! "

Ông Trump vẫn còn những "công cụ" để trừng phạt Trung Quốc. Ảnh: AP.

Câu hỏi đặt ra là ông Trump có thể vận dụng Đạo luật IEEPA đến đâu?

Hồi tháng 5, ông Trump đã đe dọa sẽ giáng đòn trừng phạt nhằm vào Mexico bằng luật thuế mới khi nước này không đảm bảo tiến độ ngăn chặn làn sóng nhập cư vào Mỹ từ quốc gia Trung Mỹ này. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), ông Trump đã rút lại vào phút cuối các biện pháp của mình vì Đạo luật IEEPA chưa đề cập đến thuế như một công cụ trong đó.

Cũng theo phân tích của cơ quan trên, Đạo luật IEEPA vốn được thông qua sau bê bối Watergate. Nó thực sự có thể trao cho Tổng thống Trump "quyền lực rộng lớn để điều chỉnh một loạt các giao dịch kinh tế sau khi đưa ra tuyên bố khẩn cấp ở mức độ quốc gia".

Những quyền lực đó được sử dụng "để đối phó với bất kỳ mối đe dọa bất thường nào nhằm vào an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc nền kinh tế Mỹ."

Tuy nhiên, tổng thống vẫn phải tham khảo ý kiến của Quốc hội trước khi điều động chính quyền; và sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia phải gửi báo cáo giải thích lý do cho Quốc hội Mỹ.

Về tần suất, đạo luật này đã từng được vận dụng khá thường xuyên. 54 trường hợp khẩn cấp quốc gia đã được ban bố; trong đó có 29 trường hợp vẫn đang thực hiện.

Cũng theo CRS, Luật IEEPA lần đầu tiên được vận dụng là trong cuộc khủng hoảng con tin ở Iran năm 1979, Tổng thống Jimmy Carter đã thực hiện biện pháp trừng phạt thương mại đối với Iran và đóng băng tài sản của Iran ở Mỹ.

Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo trong phiên giao dịch 23/8 khi thương chiến tiếp tục leo thang.

Stephen Vladeck, Giáo sư Luật học tại Đại học Texas, đồng thời là chuyên viên phân tích pháp lý tại CNN, cho rằng ông Trump từng áp dụng luật IEEPA với Mexico, và việc này là trong thẩm quyền mà Quốc hội quy định. "Ý tưởng đằng sau quyền lực này là tổng thống Mỹ sẽ có vị thế thuận lợi hơn Quốc hội để đưa ra các quyết định trong các trường hợp như vậy, đặc biệt là những vấn đề đặc biệt nhạy cảm và cần ra quyết định nhanh”.

Tuy nhiên, Vladeck cũng như các chuyên gia khác cho rằng phạm vi thực thi luật này vẫn là vấn đề mà Quốc hội chưa cân nhắc đến. Và trong đó, luật này cũng không hề quy định cho phép tổng thống có thể ra lệnh các công ty phải đóng cửa hoạt động kinh doanh nước ngoài của mình.

Tuy nhiên, Jennifer Hillman, một chuyên gia về chính sách thương mại Mỹ phát biểu với Washington Post cho rằng ông Trump có thể chặn dòng vốn từ Mỹ chuyển sang Trung Quốc, đe dọa hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của các doanh nghiệp.

Hôm 24/8, Giáo sư Vladek tiếp tục đăng tải dòng tweet cho rằng: "Một trong những vấn đề dài hạn đặt ra trong “kỷ nguyên Trump” sẽ liên quan đến câu hỏi liệu rằng chúng ta đang có những đạo luật mang lại quá nhiều quyền lực cho tổng thống; mà trong đó không đề cập đến một vấn đề cực nhạy cảm sẽ phát sinh, đó là hàng rào chính trị. Và lối vào của vấn đề đang mở ra hiện nay: Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế”.

Cũng cần lưu ý, Quốc hội theo luật định cũng có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp bằng nghị quyết chung.

Cựu Thống đốc bang Massachusetts, Bill Weld, người đứng đầu kiến nghị phủ quyết ông Trump khỏi vị trí tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2020, thì cho rằng tổng thống Mỹ ra lệnh cho các công ty điều chỉnh hoạt động kinh doanh là một hành vi “thái quá”. Ông Weld viết trên Twitter: "Việc ông Trump tin rằng mình thực sự có quyền này là biểu hiện điên rồ của một nhà độc tài trong tương lai”.

An Chi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ong-trump-tuyen-bo-co-quyen-luc-tuyet-doi-de-ra-lenh-cac-cong-ty-my-post982511.html