Ông Trump mất kiên nhẫn với ông Putin, đưa ra 'tối hậu thư' cho Nga?

The Hill dẫn một số nguồn tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần mất kiên nhẫn với Tổng thống Nga Putin, sau khi ông Putin đưa ra một loạt yêu cầu trong các cuộc đàm phán với Ukraine.

Điều này khiến các bên khó đạt được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và và làm giảm hy vọng của ông Trump về việc nhanh chóng kết thúc xung đột.

Ông Trump mất kiên nhẫn với Nga?

Trong suốt 2 tháng qua, Nhà Trắng đã nỗ lực phá băng trong quan hệ với Nga, thậm chí đưa ra những nhượng bộ nhất định, nhưng Tổng thống Putin vẫn giữ lập trường cứng rắn mặc dù ông tuyên bố sẵn sàng hợp tác. Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục đẩy mạnh tấn công Ukraine trên mọi mặt trận.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Putin hầu như không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình. Thay vào đó, Nga chỉ chấp nhận lệnh ngừng bắn hạn chế ở Biển Đen và ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trong những ngày gần đây.

Trong chuyến thăm Bắc Cực vào cuối tuần trước, Tổng thống Putin cho rằng, Ukraine cần phải thành lập một chính phủ lâm thời dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và cần tổ chức bầu cử để mở đường cho một giải pháp lâu dài nhằm chấm dứt cuộc chiến.

Điều này cho thấy một giải pháp hòa bình sẽ vẫn xa vời, khi ông Putin một lần nữa nhấn mạnh ông không thể đạt được thỏa thuận với Tổng thống Zelensky – người mà Moscow luôn chỉ trích bấy lâu nay.

Yêu cầu mới nhất mà Tổng thống Putin đưa ra đã khiến Mỹ không hài lòng. Phát biểu với NBC, ông Trump cho biết ông "rất tức giận" về những tuyên bố trên và đe dọa sẽ áp thuế đối với bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Nga. Nếu được thực thi, biện pháp này có thể làm suy yếu nguồn thu nhập quan trọng nhất của Moscow.

"Nếu Nga và Mỹ không thể đạt được thỏa thuận về việc ngăn chặn xung đột ở Ukraine, và nếu đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp thuế thứ cấp đối với tất cả các mặt hàng dầu mỏ mà Nga xuất khẩu ", ông Trump nói.

Điều này đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi liệu ông Trump có sẵn sàng gây sức ép lớn đối với ông Putin khi chính quyền mới của ông đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm và theo đuổi lập trường thân thiện hơn với Moscow.

"Tôi nghĩ ông Trump muốn có một thỏa thuận với ông Putin vì thế ông ấy sẽ không ngay lập tức hành động theo chiều hướng ngược lại và gây áp lực cho Nga. Nhưng mọi chuyện có thể đi đến một bước ngoặt, nếu ông Trump cho rằng nhà lãnh đạo Nga không quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận nào và chỉ đưa ra những yêu cầu mà ông ấy muốn thực hiện", Stefan Meister, chuyên gia về Nga tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức ở Berlin nhận định.

Moscow đẩy mạnh tấn công trên chiến trường

Trên chiến trường, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định lùi bước. Máy bay không người lái của Nga đang tấn công các thành phố của Ukraine với tần suất và mức độ cao. Trong những tuần gần đây, các cuộc tấn công đã diễn ra theo một mô hình khác biệt khi Nga tập trung một loạt máy bay không người lái, trong đó có nhiều máy bay được trang bị đầu đạn nhiệt áp mạnh nhắm vào mục tiêu Ukraine.

Các chỉ huy Ukraine đã cảnh báo rằng lực lượng Nga đang chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn khác, trong bối cảnh giao tranh dữ dội trên khắp mặt trận. Ông Putin cho rằng quân đội Nga đang chuẩn bị "hạ gục" quân đội Ukraine.

"Có lý do để tin rằng chúng tôi sẽ đánh bại họ", ông Putin nói trong chuyến thăm một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Murmansk. Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, Moscow "đang tiến tới đạt được tất cả các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt".

Dù phản đối gay gắt trước yêu cầu của Tổng thống Mỹ về quyền khai thác khoáng sản nhưng Ukraine đã đồng ý với mọi đề xuất ngừng bắn mà chính quyền Trump đưa ra để ngăn chặn xung đột, từ lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày đối với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng cho đến lệnh chấm dứt giao tranh trên Biển Đen. Song những động thái này chỉ mang lại cho Kiev một chút thiện chí từ Washington. Trong khi đó, phần lớn các quan chức trong chính quyền ông Trump đều hoài nghi về những gói viện trợ mà Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng như vai trò lãnh đạo của ông Zelensky.

Cuối tuần qua, Tổng thống Trump đã cảnh báo Ukraine sẽ gánh hậu quả nếu Tổng thống Zelensky từ bỏ thỏa thuận hợp tác khai thác khoáng sản để đổi lấy viện trợ của Mỹ. "Ông ấy đang cố gắng rút khỏi thỏa thuận đất hiếm và nếu ông ấy làm vậy, Ukraine sẽ gặp phải một số vấn đề rất lớn", ông Trump phát biểu với báo chí.

Đến thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa thực hiện bất kỳ hành động đáng kể nào để gây sức ép với Nga. Trong khi đó, ông Trump từng gọi ông Zelensky là "kẻ độc tài" và từng ra quyết định tạm thời đình chỉ hỗ trợ quân sự cũng như chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ cho Ukraine sau cuộc tranh cãi giữa hai nhà lãnh đạo tại phòng Bầu Dục.

Trái lại, Nhà Trắng được cho là đã thực hiện các bước đi có lợi cho Điện Kremlin, trong đó có việc dừng các cuộc điều tra cáo buộc Nga tấn công mạng, giải tán đội đặc nhiệm chuyên thu giữ và đóng băng tài sản của giới tài phiệt Nga. Ông Trump cho biết ông có kế hoạch tiếp tục đối thoại với ông Putin trong tuần này.

Ông Trump đã đưa ra cam kết trong chiến dịch tranh cử nói rằng ông sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi trở thành tổng thống. Nhưng những diễn biến trên thực tế cho thấy, việc tiến tới một thỏa thuận hòa bình sẽ rất khó khăn. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi về việc nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm gì nếu ông nhận ra rằng ông đã “chạm đến bức tường” trong các cuộc đàm phán với Moscow.

"Phái đoàn đàm phán của ông Trump cho rằng Tổng thống Putin sẽ đáp ứng những gì họ muốn. Nhưng Nga có những lợi ích hoàn toàn khác. Không có sự chồng chéo nào cả”, ông Stefan Meister lưu ý.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-mat-kien-nhan-voi-ong-putin-dua-ra-toi-hau-thu-cho-nga-post1188704.vov