Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Doveco: Thị trường EU không quá khó như ta vẫn nghĩ
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Doveco cho rằng, thị trường EU hàng năm nhập khoảng 145 tỷ Euro rau quả, Việt Nam chúng ta mới xuất khẩu được trên dưới 200 triệu USD, còn quá nhiều dư địa.
Là một trong những doanh nghiệp có đơn hàng chanh leo xuất khẩu sang EU ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Công ty Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) hiện đang bận rộn thực hiện các đơn hàng xuất khẩu lớn đi EU.
Thậm chí, trước khi có EVFTA, EU vẫn là thị trường truyền thống của doanh nghiệp này, thành thử, lãnh đạo Doveco nhìn nhận, dù tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu cao hơn nhiều thị trường khác, nhưng khi đã có quy hoạch vùng trồng tốt, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát được mọi khâu trong sản xuất, chế biến, để vào EU không quá khó.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khẳng định: Xuất khẩu rau quả sang EU không quá khó và dư địa rất lớn.
Mỗi năm EU nhập 145 tỷ Euro rau quả, Việt Nam mới xuất khẩu được trên dưới 200 triệu USD. Thị trường còn quá rộng lớn và có đất cho tất cả các doanh nghiệp cùng khai thác. Cứ làm dần từng bước thật bài bản, chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu dù là khắt khe nhất của các nước EU.
Ông Khuê chia sẻ kinh nghiệm, xuất khẩu sang Châu Âu thì có những cái khó nhất định, ngoài chất lượng luôn luôn phải đảm bảo thì nhà cung cấp phải đảm bảo được cả số lượng và có sự liên tục, không ngắt quãng.
Yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu chuẩn; máy móc chế biến hiện đại, có nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất và khâu quản lý lành nghề và khâu bao bì, đóng gói đúng yêu cầu từ nhà nhập khẩu.
"Có cạnh tranh thì mới có phát triển, nhưng khi đáp ứng được đòi hỏi của nhà mua hàng rồi, có quy trình sản xuất, chế biến đat chuẩn rồi thì doanh nghiệp không còn e ngại nữa", ông Khuê nhấn mạnh.
"Tại tọa đàm: Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU do Tạp chí Công thương tổ chức sáng 18/11, Bộ Công thương thông tin, Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động xuất khẩu mở rộng thị trường sang EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương.
Trong đó, việc có EVFTA cũng là ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương lưu ý, thực thi EVFTA trong 2 năm đầu rất khả quan so với các FTA khác, xuất khẩu tăng mạnh, nhưng thực chất, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sang EU gia tăng chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng.
Hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhu cầu nhập khẩu mỗi năm của thị trường 27 nước thành viên. Một số mặt hàng thế mạnh như rau quả chưa chiếm đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...
"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại về những tiêu chuẩn kỹ thuật cao từ thị trường các nước EU. Do vậy, các doanh nghiệp thường lựa chọn giải pháp an toàn, tập trung nhiều vào các thị trường truyền thống. Đây cũng là điểm hạn chế, làm giảm đi lợi thế “người đi đầu” của doanh nghiệp Việt Nam trong EVFTA", ông Khanh lý giải.
Thực tế xuất khẩu đi EU nhiều năm, đại diện Doveco cho hay, với các nước EU và nói riêng và các nước châu Âu họ không trồng được các loại rau quả nhiệt đới, ví dụ như dứa là không trồng được, chuối là không trồng được và chanh leo là không trồng được, thì doanh nghiệp Việt cần chú ý vào những điểm này để khai thác.
Ngoài ra, EU cũng ít sử dụng công cụ phòng vệ như các thị trường khá, khâu thanh toán sòng phẳng nghiêm túc, thì nhìn ở góc độ này là hết sức thuận lợi.
Thị trường đã mở, FTA đã thực thi, mang lại thuận lợi về thương mại, thuế quan được gỡ bỏ, vấn đề còn lại là hành động của doanh nghiệp. Theo ông Khuê, từ kinh nghiệm của Doveco, việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất rất cần thiết, giúp doanh nghiệp nâng cao được năng lực cung ứng và cạnh tranh.
"Doveco đã đầu tư và phát triển được ba trung tâm chế biến tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La. Nếu 1 mình doanh nghiệp thì không thể làm hết được. Vì vậy cần duy trì chuỗi liên kết rất tốt, liên kết dọc từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái, chính điều này đã mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều kết quả hơn kỳ vọng", ông Khuê nói.
Và thực tế, nhờ hệ thống nhà máy chế biến hiện đại, có quản trị tốt, kết nối các mắt xích trong chuỗi sản xuất hiệu quả nên doanh nghiệp này có thời điểm không đủ hàng để xuất khẩu.