Ông Biden có vi hiến khi hạ lệnh tấn công Houthi?
Giới chuyên gia chỉ ra dù Điều 1 của Hiến pháp Mỹ quy định hành động quân sự phải được quốc hội cho phép, nhưng Điều 2 cũng trao cho tổng thống quyền sử dụng vũ lực để phòng vệ mà không cần sự đồng ý từ quốc hội.
Vào tối 11.1, quân đội Mỹ và Anh tiến hành tấn công hơn 60 mục tiêu Houthi trên lãnh thổ Yemen nhằm làm suy giảm năng lực quân sự dùng để tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ của nhóm. Đến tối hôm sau Mỹ một mình mở thêm đợt tấn công nữa.
Sau đợt tấn công đầu tiên, một nhóm nghị sĩ Mỹ chỉ trích Tổng thống Joe Biden vi phạm Điều 1 của Hiến pháp Mỹ khi chỉ thông báo, không chờ quốc hội cho phép mà đã hạ lệnh thực hiện hành động quân sự ở nước ngoài. Nhưng học giả Michael O'Hanlon (Viện Brookings) cho rằng: “Thực sự không có cơ sở vững chắc nào để ngăn cản ông ấy thực hiện hành động này”.
Dù theo Điều 1 hành động quân sự phải được quốc hội cho phép, nhưng Điều 2 lại chỉ định tổng thống giữ vai trò tổng tư lệnh quân đội và trao quyền sử dụng vũ lực để phòng vệ mà không cần sự đồng ý từ quốc hội. Phe ủng hộ lập luận đáp trả hành động tập kích quân Mỹ đồn trú Iraq và Syria cũng như tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ là phòng vệ.
Ngoài hiến pháp, việc sử dụng vũ lực còn được kiểm soát bởi Nghị quyết về Quyền chiến tranh mà Quốc hội Mỹ thông qua năm 1973. Nghị quyết yêu cầu hành động quân sự không tuyên chiến hoặc không có thẩm quyền pháp lý cụ thể phải chấm dứt trong vòng 60 ngày. Trong vòng 48 giờ sau khi hành động quân sự diễn ra tổng thống phải đệ trình báo cáo tình huống giải thích lý do, ước tính thời gian thực hiện cùng quy mô cuộc chiến.
Giới chuyên gia nhận định phản ứng của Quốc hội Mỹ với quyết định của Tổng thống Biden sẽ dựa trên tình hình thực tế. Hậu quả có thể nhẹ hơn nếu căng thẳng không leo thang và Nhà Trắng thường xuyên báo cáo quốc hội. Không loại trừ khả năng giới nghị sĩ tìm cách thông qua luật mới tăng kiểm soát quyền lực tổng thống.
Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump cũng hạ lệnh không kích sân bay Baghdad (Iraq) để tiêu diệt tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani mà chẳng thông báo quốc hội. Sau đó Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật áp đặt thêm hạn chế với quyền thực hiện hành động quân sự của tổng thống.
Năm 2011, cựu Tổng thống Barack Obama quyết định không kích Libya dù Quốc hội Mỹ không chấp thuận. Cuộc không kích góp phần lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi nhưng khiến quốc gia Bắc Phi rơi vào bất ổn kéo dài. Ông Obama sau đó thừa nhận đây là sai lầm tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ong-biden-co-vi-hien-khi-ha-lenh-tan-cong-houthi-213066.html