Ông Abe chia sẻ bí quyết giành thiện cảm từ ông Trump
Ông Shinzo Abe cho rằng 'ngoại giao golf' cùng với cách giải thích vấn đề trực quan, dựa trên số liệu là bí quyết thành công trong quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngày 26-9, tờ Nikkei Asian Review chia sẻ nội dung buổi phỏng vấn hôm 24-9 giữa cơ quan truyền thông này với cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại phòng họp của ông Abe.
Trong buổi nói chuyện dài 80 phút, ông Abe dành phần nhiều thời gian để chia sẻ những thông tin nổi bật về quan hệ Nhật-Mỹ, đặc biệt là một số kinh nghiệm trong cách tiếp cận và xây dựng quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Abe: Ông Trump nói tôi và ông ấy có điểm chung
Cựu Thủ tướng Abe cho biết ngay từ khi kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 được công bố, ông đã nhanh chóng liên hệ và làm nổi bật những điểm chung với ông Trump (lúc đó vừa đắc cử Tổng thống Mỹ và còn chưa nhậm chức).
Cựu Thủ tướng Nhật cho rằng ông Trump "là một kiểu người khác với các tổng thống trước đó (ở Mỹ)". Điều này được cho là tạo lợi thế cho ông Abe vì hai nhà lãnh đạo đều phải nỗ lực để giành quyền lực từ đảng cầm quyền tiền nhiệm.
Cựu Thủ tướng Nhật kể lại rằng ngày 17-11-2016 - chỉ mười ngày sau khi kết quả bầu cử năm 2016 được công bố ở Mỹ, ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm ông Trump.
Ông Abe đặt mục tiêu tạo điểm chung giữa hai nhà lãnh đạo và cho rằng cuộc gặp đã phát huy tác dụng. Lúc đó, ông Trump nói với ông Abe rằng: "Bạn và tôi có điểm chung".
'Chuyện thăm ông Trump là sự kiện quan trọng đối với Nhật'
Ông Abe cho rằng chuyến thăm "sớm" vào năm 2016 chính là một trong những sự kiện quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Nhật.
Lúc tranh cử năm 2016, ông Trump đã nêu ra khả năng rút quân Mỹ khỏi châu Á, trong khi Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ khiến chính quyền Tokyo quan ngại. Ông Abe cho rằng nếu không giải quyết được hai vấn đề then chốt là liên minh Nhật-Mỹ và quan hệ thương mại song phương thì Tokyo không thể thực hiện thành công các nỗ lực ngoại giao của mình.
Ông Abe cho rằng bản thân đã gây ấn tượng tốt, đôi khi ông Trump còn rất ngạc nhiên trước những thông tin về Trung Quốc do phía Nhật cung cấp. Lúc đó, cuộc họp đã được kéo dài gấp đôi dự kiến, diễn ra trong khoảng một giờ rưỡi.
Ông Abe cho biết một trong những chia sẻ đầu tiên từ phía ông Trump là quan điểm rằng "Triều Tiên là vấn đề trong ngắn hạn còn Trung Quốc là vấn đề về dài hạn".
Theo chia sẻ của cựu lãnh đạo Nhật, những đồ thị và cách truyền tải số liệu trực quan, cùng với "ngoại giao golf" là những bí quyết tạo ra sự thành công như vậy.
Ông Abe đã luôn đặt mục tiêu sẽ hẹn ông Trump đi đánh golf. Kết quả là hai nhà lãnh đạo đã năm lần đi đánh golf cùng nhau và tổ chức 14 cuộc gặp chính thức.
'Ông Trump là một người cứng rắn trong quan hệ với Nhật'
Bất chấp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Trump vẫn luôn nêu lại vấn đề hợp tác công bằng giữa hai bên - ông Abe lưu ý.
Trước quan điểm cứng rắn của Nhà Trắng, ông Abe đã nhiều lần giải thích về những đóng góp của Tokyo tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật, bao gồm việc Tokyo chi trả phần lớn chi phí tiện ích và phí thuê cơ sở vật chất.
Cựu Thủ tướng Abe còn thúc đẩy quốc hội Nhật giải thích lại nội dung hiến pháp về quyền phòng thủ tập thể nhằm tạo ra sự tương hỗ trong liên minh Nhật-Mỹ.
Ông Abe cũng tiết lộ rằng việc Singapore - nơi được Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chọn để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất vào tháng 6-2018 - là một đề xuất của phía Nhật.
Ông Abe vẫn còn nhiều điều tiếc nuối trước khi từ chức
Dù tương đối thành công trong quan hệ với Mỹ, ông Abe thừa nhận còn nhiều mà ông chưa thể giải quyết trước khi rời nhiệm sở.
Đầu tiên là vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga tại một số thực thế mà Moscow cho là thuộc quần đảo Kuril, nằm dưới sự quản lý của Nga. Nhật gọi các thực thể này là "vùng lãnh thổ phương Bắc".
Ông Abe cho biết vào tháng 11-2018, Nhật và Nga đã gần như thống nhất rằng lãnh đạo hai nước sẽ ký kết hiệp ước hòa bình - điều có thể trở thành một bước ngoặc trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Abe đã định tổ chức trưng cầu dân ý để Nhật thông qua hiệp định. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và nhiều yếu tố từ bên ngoài đã ảnh hưởng tới việc ký hiệp ước hòa bình Nhật-Nga.
Về vấn đề Triều Tiên, ông Abe tiếc nuối vì những chuyển biến tích cực vừa "chớm nở" giữa Tokyo và Bình Nhưỡng đã không được hai bên tận dụng. Ông Abe và ông Kim chưa từng chính thức hội đàm.
Quan hệ với Hàn Quốc cũng là một điểm khiến ông Abe trăn trở. Quan hệ giữa Tokyo và Seoul đã rơi xuống mức xấu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Abe muốn gửi gắm cho người kế nhiệm, tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, tiếp tục giải quyết ổn thỏa những điểm yếu trong quan hệ ngoại giao của Tokyo.
Dù đã từ chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe, ông Abe vẫn hoạt động trong chính trường Nhật khi vẫn là một thành viên trong Hạ viện.
Về tình hình sức khỏe cá nhân, ông Abe chia sẻ với Nikkei Asian Review rằng ông đang sử dụng một thuốc "rất hiệu quả" để điều trị căn bệnh mãn tính.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ong-abe-chia-se-bi-quyet-gianh-thien-cam-tu-ong-trump-940597.html