Ô nhiễm tiếng ồn - Có xử lý được vi phạm?

Tiếng ồn nơi công cộng xuất phát từ hoạt động công khai, rất dễ nhận biết, song thật khó hiểu khi không bị cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội xử lý triệt để. Có hay không sự thiếu trách nhiệm của một số đơn vị liên quan trước thực trạng này?

Ô nhiễm tiếng ồn

Dù là tuyến phố văn minh đô thị, nhưng 20h ngày 10-11, tại “Quán nhậu Tự do” (số 2 phố Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), đèn nhấp nháy, 2 màn hình lớn cộng với tiếng nhạc inh ỏi khiến cả đoạn đường bị “ô nhiễm” tiếng ồn. Phía đối diện quán nhậu bên kia đường là 4 tòa chung cư cao tầng, tiếng ồn vọng lên suốt từ chiều tối đến đêm. Một người dân ở ngõ 7, phố Lê Đức Thọ bức xúc: "Quán nhậu ồn ào bởi tiếng nói cười, “zô zô” của khách cùng tiếng nhạc. Người dân rất không hài lòng nhưng không biết phải làm sao...".

Hoạt động tại một số nhà hàng ở khu vực đầu đường Lê Đức Thọ bị phản ánh gây tiếng ồn. Ảnh: Thiện Mỹ

Hoạt động tại một số nhà hàng ở khu vực đầu đường Lê Đức Thọ bị phản ánh gây tiếng ồn. Ảnh: Thiện Mỹ

Cũng ở quận Nam Từ Liêm, một số hàng bán nước gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình (gần phố Hồng Đô, phường Phú Đô) và khu vực cổng Bệnh viện Thể thao (phố Đỗ Xuân Hợp, phường Mỹ Đình 1) chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, dựng màn hình lớn phục vụ khách hát karaoke. Một người dân ở phố Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, cho biết: "Vi phạm diễn ra từ ngày này sang ngày khác, song lạ là, cứ khi đến kỳ cuộc, tổ chức sự kiện lớn thì các hàng quán không hoạt động, còn ngày thường họ hát từ khoảng 18h đến 22h-23h, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân".

Người bán hàng gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình dựng màn hình lớn phục vụ khách hát karaoke. Ảnh: Thiện Mỹ

Người bán hàng gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình dựng màn hình lớn phục vụ khách hát karaoke. Ảnh: Thiện Mỹ

Trong khi đó, các chung cư đối diện Đại sứ quán Hàn Quốc cũng bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ hàng quán ăn uống ở tuyến phố Nguyễn Xuân Khoát (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) và tiếng loa quá to từ các hoạt động tập thể dục thể thao tại Công viên Hòa Bình cũng trên địa bàn quận. Cư dân sống tại chung cư cho biết, sáng thì khổ vì tiếng loa khi tập thể dục thể thao, tối thì đau đầu vì các màn văn nghệ của mấy quán nhạc nằm trên đường Nguyễn Xuân Khoát. Đặc biệt, mấy quán ăn uống gần trụ sở Công an phường Xuân Đỉnh gây tiếng ồn lớn nhưng không bị xử lý. Vẫn biết, các quán nhậu là sinh kế của nhiều người, song họ cũng cần tôn trọng người dân sống trong khu vực, để không ảnh hưởng đến thời gian người già nghỉ ngơi, trẻ nhỏ học bài...

Người dân phản ánh, trên phố Nguyễn Xuân Khoát có nhiều nhà hàng gây tiếng ồn. Ảnh: Thiện Mỹ

Người dân phản ánh, trên phố Nguyễn Xuân Khoát có nhiều nhà hàng gây tiếng ồn. Ảnh: Thiện Mỹ

Cần chủ động và quyết liệt

Về thực trạng tiếng ồn trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Công viên Hòa Bình là công viên mở, không gian rộng, tập trung nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Công viên do Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội quản lý, có bảo vệ trông nom. Do đó, cùng với việc nâng cao ý thức tự giác của người tập thể dục thì lực lượng bảo vệ công viên cũng cần nhắc nhở để mọi người tuân thủ quy định. Còn về hoạt động của các quán ăn uống, UBND phường sẽ kiểm tra và chấn chỉnh, hạn chế thấp nhất sự phiền nhiễu đến cuộc sống người dân.

Trong khi nhiều địa phương kêu khó khăn trong xử lý tiếng ồn như: Không có máy đo âm lượng tiếng ồn, ý thức người dân chưa cao, các nhóm tập thể dục không cố định vị trí..., thì phường Hà Cầu (quận Hà Đông) đã xử lý được dứt điểm nhiều vi phạm gây tiếng ồn trong khu dân cư và nơi công cộng nhờ sự quyết liệt vào cuộc.

Đại diện Công an phường Hà Cầu cho biết, trước đây, từ khoảng 5h15 đến 6h15 hằng ngày, tại khu vực Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza có khoảng 70 phụ nữ tập thể dục, nhảy aerobic, mở loa công suất lớn... Sau khi xác minh, lập biên bản, Công an phường đã mời đại diện nhóm thể dục về làm việc và yêu cầu không được tập thể dục mở loa công suất lớn tại khu vực công cộng. Sau khi được chấn chỉnh và tuyên truyền, nhóm tập thể dục đã giải tán. Để duy trì lâu dài, Công an phường phân công lực lượng duy trì chốt trực, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, giám sát, không để vi phạm tái diễn. Bên cạnh đó, Công an phường còn xử lý 3 điểm “Hát cho nhau nghe” và karaoke, trong đó có điểm hoạt động không đủ điều kiện đã bị ngăn chặn ngay từ đầu...

Thực tế cho thấy, pháp luật đã có quy định đầy đủ về xử lý các vi phạm xâm phạm sự yên tĩnh chung, về gây tiếng ồn... Điều đáng nói là cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Để định lượng chính xác, đủ căn cứ xử lý, tránh sự bao biện của cơ quan chức năng, việc trang bị dụng cụ đo tiếng ồn cho các cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết, song điều cần thiết hơn là sự vào cuộc chủ động, có trách nhiệm của lực lượng chức năng, nhằm kiểm soát và hạn chế thấp nhất nạn "ô nhiễm" tiếng ồn kéo dài bấy lâu nay.

Theo Điều 22, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt vi phạm về tiếng ồn vượt quá mức cho phép quy định như sau: Gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng...

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/o-nhiem-tieng-on-co-xu-ly-duoc-vi-pham-684466.html