Ô nhiễm thủy ngân nhà máy Rạng Đông: Lo ngại thời tiết

Thủy ngân phát tán trong không khí có thể phát triển nhanh chóng ở khu vực kín, thông gió kém và nhiệt độ cao, gây ra các vấn đề nặng hơn.

Ngày 5/9/2019, vấn đề xử lý ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông đang được cơ quan chức năng gấp rút tiến hành. Ngay sau những ngày đầu xảy ra vụ cháy, thời tiết khu vực Hà Nội có mưa lớn làm cho công tác khử nhiễm diễn ra thuận lợi hơn.

Mặc dù vậy, theo thông báo của trung tâm khí tượng thủy văn, ngày 6/9/2019 thời tiết khu vực Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời cao nhất lên tới 36 độ C.

Theo các chuyên gia hóa học, nhiệt độ tăng cao khiến không khí nắng nóng, lượng độc tố thủy ngân vùi trong đất sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông có nhiều điều kiện được giải phóng trong không khí, phát tán ra môi trường.

Thời tiết nắng nóng làm nguy cơ thủy ngân phát tán ra không khí càng cao.

"Thủy ngân lẫn trong không khí sẽ phát tán nhanh hơn khi gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, kín gió, gây kích ứng nhiều đối với niêm mạc và phổi. Chính vì thế, khu vực nhà máy Rạng Đông có nắng nóng thì người dân cần hết sức lưu ý, hạn chế ra ngoài và tới gần khu vực nhà máy.

Bên cạnh đó, khu vực nhà máy Rạng Đông cũng cần quây kín trong những ngày này để hạn chế thủy ngân có thể phát tán ra môi trường xung quanh" - TS hóa học Nguyễn Đình Nam cho biết.

Trước đó, tại cuộc họp với các đơn vị vào chiều 5/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nguyên nhân vụ cháy nhà máy Rạng Đông ban đầu được xác định là do quá trình quản lý bảo quản nguyên vật liệu, sản phẩm trong nhà máy, không phải do phá hoại.

Ông Chung yêu cầu Sở Y tế và UBND Q. Thanh Xuân cần triển khai việc ứng trực khám, kiểm tra sức khỏe miễn phí cho người dân trong vòng bán kính 500m quanh khu vực xảy ra cháy.

Bên cạnh đó, ông Chung ghi nhận việc các cán bộ chuyên môn của Tổng cục Môi trường đã xuống hiện trường vụ cháy, tuy nhiên theo ông Chung, cần đặt ra quy trình, phối hợp hài hòa, hiệu quả, để cho người dân, các cơ quan hữu quan nhìn vào thấy sự thống nhất trong bộ máy quản lý Nhà nước.

Lãnh đạo Tổng cục Môi trường thực địa tại nhà máy Rạng Đông sau vụ cháy.

“Tôi không bình luận gì, nhưng người dân, mọi người cũng bình luận về việc các cơ quan chuyên môn xuống đeo mặt nạ phòng độc còn người dân, anh em khác đeo khẩu trang thôi. Không biết chuyên môn hiểu rõ hơn, mình lo mình chết còn xung quanh người dân thì thế nào? Điều này tự nhiên nó phản cảm.

Cá nhân tôi đánh giá đây là hành động phản cảm. Người dân xung quanh, cán bộ đi cùng, đồng nghiệp của mình xung quanh vẫn như thế, mà tại sao mình lại xử sự như thế, có cần thiết không?

Bởi vì, là cán bộ Nhà nước, chúng ta làm chuyên môn nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện, phù hợp với hoàn cảnh và phải đúng mức, tránh gây ra những hiểu lầm, phản cảm. Tại sao chúng ta không phát cho tất cả người khác?”, ông Chung trăn trở.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/o-nhiem-thuy-ngan-nha-may-rang-dong-lo-ngai-thoi-tiet-3387052/