Ở đâu dân khó có biên phòng
Phong trào 'Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau' đang lan tỏa mạnh mẽ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chia sẻ khó khăn với nhân dân vùng biên giới biển, tạo sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền, biên giới biển, đảo.
“Như cá với nước”
Bà Trương Thị Ngân, 74 tuổi, ở ấp Bình Minh, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, gia đình bà thuộc diện khó khăn của địa phương, bà đang sống cùng với vợ chồng con trai và 2 cháu nội đang còn đi học.
Do không có thu nhập ổn định, hàng ngày con trai bà Ngân phải ra biển làm lao động cho tàu cá gần bờ, con dâu thì bán gánh bún nhỏ ven đường.
Những năm trước, để chia sẻ khó khăn với các con trong cuộc sống, bà Ngân nhận vá lưới cho những hộ dân đi biển trong vùng để kiếm thêm thu nhập. Nay sức khỏe yếu dần, bà không còn nhận lưới về vá nữa, thu nhập của gia đình từ đó cũng trở nên khó khăn. Nhiều lần bà chạnh lòng khi nghĩ đến lúc nào đó, các cháu của mình không được đến trường.
Thế nhưng, 2 năm qua nhờ có Bộ đội biên phòng hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng để mua sách vở, quần áo... đứa cháu của bà có thêm điều kiện đến trường.
Bộ đội ở Đồn Biên phòng Bình Châu thường xuyên lo lắng cho gia đình, quan tâm đến bà cháu tôi. Thấy mấy chú bộ đội Biên phòng rất gắn bó với dân, có tình thương dân nên rất an tâm. Tôi thì già rồi, nhiều khi mấy chú không đến được cũng gọi điện hỏi thăm. Bà Ngân cho biết thêm.
Em Trương Văn Khánh, cháu nội bà Ngân chia sẻ, trước đây chưa được Bộ đội Biên phòng Bình Châu hỗ trợ thì con mặc quần áo cũ đến trường, 2 năm nay khi có các chú bộ đội hỗ trợ thì con được 2 bộ quần áo mới, sách vở mới và bút cắp mới, con thấy rất vui. Con sẽ phấn đấu học tập để đạt thành tích tốt.
Còn anh Bùi Văn Nhiều, ở thôn 3, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu chia sẻ, là gia đình nghèo, khó khăn của địa phương, bản thân anh không có việc làm ổn định, lại thêm nuôi con nhỏ đang tuổi đến trường, cảnh thiếu trước hụt sau đeo bám gia đình anh nhiều năm liền.
Từ khi có phong trào “Nâng bước em đến trường” do Đồn Biên phòng Long Sơn thực hiện, hàng tháng con trai anh được hỗ trợ 500 ngàn đồng để mua sách vở, quần áo.
Anh Nhiều cho biết, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Long Sơn còn thường xuyên đến thăm, tặng gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm cho gia đình, từ đó khó khăn đã vơi đi phần nào. Anh Nhiều xem Bộ đội Biên phòng như người thân trong gia đình.
3-4 năm nay, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng mỗi năm cũng hỗ trợ cho cháu 4,5 triệu đồng tiền học, đến hết lớp 12, lễ Tết thì biên phòng cũng tặng gạo. Cũng nhờ Đồn Biên phòng hỗ trợ, đến nay cuộc sống đỡ vất vả, rất mừng vì tình quân – dân gần gũi với nhau. Anh Nhiều cho biết.
“Nhân dân khó - có Biên phòng”
Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, địa bàn có 10 km tuyến biên giới biển, có hơn 6 ngàn hộ dân với hơn 62 ngàn khẩu, đời sống của người dân trên địa bàn 5 xã ven biển còn nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Bình Châu đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ cùng với chính quyền địa phương trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Từ chương trình "Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ, trong lực lượng Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều phong trào cụ thể như: “Hũ gạo thanh niên”, "Nâng bước em đến trường, “Tay kéo biên phòng”… và các mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự”, “Bến bãi tự quản”, “Tổ tàu, thuyền đoàn kết, an toàn tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Đại úy Đỗ Ngọc Quyết, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Châu cho biết, với phương châm “Nhân dân khó – đã có biên phòng”, nhiều năm qua từ chương trình “Nâng bước em đến trường” do Đồn Biên phòng Bình Châu thực hiện đã hỗ trợ tiền cho 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn 500 ngàn đồng/tháng để mua tập sách, dụng cụ học tập… chia sẻ với phụ huynh phần nào vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, hàng tháng Đồn Biên phòng còn hỗ trợ 20kg gạo cho 2 gia đình khó khăn, tạo điều kiện, động lực và động viên bà con vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, tình cảm Đồn Biên phòng Bình Châu nói riêng và Bộ đội Biên phòng với nhân dân nói chung luôn khắng khít, quân – dân như cá với nước. Nhân dân khó đã có bộ đội Biên phòng, cùng chung tay giúp đỡ vượt qua khó khăn. Đại úy Quyết chia sẻ thêm.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chính ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ việc trích ngày lương trong toàn lực lượng và nhiều nguồn vận động khác, đến nay Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ hàng tỷ đồng để triển khai các mô hình như: "Tiếng loa biên phòng", "Hãy làm sạch biển", "Nâng bước em đến trường", "Tay kéo biên phòng", "Hũ gạo thanh niên", "Vì phụ nữ biên cương", sửa chữa nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội… đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình khó khăn vùng biên giới biển vươn lên trong cuộc sống.
Trong đó, mô hình “Nâng bước em đến trường” được triển khai bằng trách nhiệm và tình thương. Gần 10 năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận động các nhà hảo tâm, hay trích từ ngày lương của cán bộ, chiến sĩ để hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng cho 48 con em là học sinh nghèo từ lớp 1 đến lớp 12 tại các xã vùng biên giới biển, 100% học sinh ở các xã được trang bị xe đạp máy và xe đạp đến trường.
Muốn duy trì những mô hình này, trước hết là sự quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh. Bằng trách nhiệm và tình thương, chúng tôi sẽ thực hiện tốt các mô hình để thanh niên, học sinh có điều kiện tiếp cận những nhu cầu tối thiểu trong xã hội, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở địa phương. Đại tá Nguyễn Văn Thống cho biết.
Thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục chủ động, sáng tạo, bằng những việc làm cụ thể, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền để có chương trình, mô hình, phong trào thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấp no cho nhân dân khu vực biên giới biển.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/o-dau-dan-kho-co-bien-phong-post1132753.vov