Nuôi cá lồng ở Phù Yên mang lại hiệu quả kinh tế cao
Người dân các xã vùng lòng hồ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã tận dụng nguồn nước mặt, phát triển nghề nuôi cá lồng từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Với trên 3.000 ha mặt nước lòng hồ sông Đà và 2 công trình thủy lợi hồ Suối Hòm và Suối Chiếu, từ nhiều năm nay người dân các xã vùng lòng hồ huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã tận dụng nguồn nước mặt, phát triển nghề nuôi cá lồng từng bước mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Tận dụng mặt nước lòng hồ sông Đà, gia đình anh Lường Văn Giáp, ở bản Hạ Lương, xã Tường Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã đầu tư phát triển 8 lồng cá kiên cố. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, anh Giáp chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, cá rô, cá chép và cá lăng. Theo anh Giáp, cá ở đây phát triển nhanh, chắc thịt được thương lái tìm đến thu mua tận nhà. Từ nuôi cá lồng, mỗi năm gia đình anh có nguồn thu tăng thêm từ 50 - 70 triệu đồng.
“Nuôi cá lồng bè ở địa bàn này rất tốt vì hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, nếu có nguồn vốn đầu tư sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế khá tốt cho các hộ gia đình, mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường từ 2 - 2,5 tấn cá”, anh Giáp cho biết.
Tường Phong là xã có nghề nuôi cá lồng phát triển ổn định nhất của huyện Phù Yên. Nhờ dòng chảy tự nhiên và mực nước ổn định, nguồn thức ăn dồi dào, nghề nuôi cá lồng có nhiều thuận lợi. Quy mô nuôi cá lồng trong xã đã tăng lên nhanh chóng, từ khi xã triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2020 với gần 200 lồng cá các loại.
“Đảng ủy xã cũng đã ra Nghị quyết chuyên đề về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ. Lợi thế của xã Tường Phong chính là có được mặt hồ diện tích 330,3 ha, đây là thuận lợi lớn nhất cho bà con nuôi cá lồng”, ông Cầm Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Phong cho biết.
Hồ thủy lợi Suối Chiếu bắt đầu tích nước từ năm 2012, cũng là thời điểm người dân xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch. Tại khu vực hồ Suối Chiếu hiện có 31 hộ nuôi cá lồng, với gần 70 lồng cá trên diện tích gần 2.200 m2, với các loại cá như cá trắm cỏ, cá chép, rô phi, sản lượng bình quân đạt gần 20 tấn/lồng/năm.
“Được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện khuyến khích nuôi thủy sản, bản cũng đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân kết hợp lồng bè, buộc lồng bè sát lại với nhau để tiện cho bảo vệ và chăm sóc cá”, ông Mùi Văn Lãm, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chiếu, xã Mường Thải nói.
Huyện Phù Yên hiện có hơn 400 lồng cá, riêng vùng lòng hồ Sông Đà có gần 400 lồng. Đa số người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao. Việc phát triển quy mô lồng cá còn gặp nhiều khó khăn do người dân thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; nhiều gia đình gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, mực nước vùng lòng hồ Sông Đà nhiều nơi không ổn định, người dân gặp khó trong việc phát triển lồng cá.
“Phòng nông nghiệp huyện cũng mong muốn các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT và các ngành của tỉnh sẽ kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương làm sao điều tiết nguồn nước thực sự ổn định, cho bà con nuôi trồng thủy sản để có sinh kế bền lâu”, bà Bạc Cầm Xiêng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng, huyện Phù Yên định hướng cho các hộ dân liên kết, củng cố lại các hợp tác xã thủy sản, tổ chức nuôi tập trung, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao để nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời hỗ trợ các hộ dân tìm kiếm đầu ra ổn định, phấn đấu tăng số lượng lên 500 lồng cá vào năm 2025.