Nước Pháp 'đau đầu' vì kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí

Cải tổ hệ thống hưu trí được coi là một trong những chính sách tham vọng nhất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ khi lên nắm quyền. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghiệp đoàn nước này.

Hướng tới hệ thống hưu trí đơn giản, công bằng

Hiện tại, ở Pháp đang có 42 chế độ hưu trí với những khác biệt khá lớn, gây ra sự bất bình đẳng giữa những người về hưu. Thêm vào đó, trong bối cảnh dân số già hóa nhanh, quỹ lương hưu của Pháp rơi vào tình trạng thâm hụt kinh niên. Đó chính là hai nguyên nhân cơ bản khiến Tổng thống Emmanuel Macron và Chính phủ Pháp xúc tiến kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí.

Theo kế hoạch, hệ thống hưu trí phức tạp hiện hành sẽ được thay thế bằng một hệ thống hưu trí phổ quát dựa trên tính điểm nhằm đem lại sự công bằng cho người dân. Thông tin chi tiết về kế hoạch trên, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe cho biết, tuổi nghỉ hưu chính thức sẽ được giữ ở mức 62 tuổi cho đến năm 2027, sau đó sẽ tăng lên 64 tuổi. Quá trình chuyển sang hệ thống hưu trí phổ quát sẽ chỉ áp dụng cho thế hệ sinh từ năm 1975 trở đi. Bên cạnh đó, ông Édouard Philippe lưu ý, dự luật này có lợi cho phụ nữ vì đối tượng này sẽ nhận 100% lương trong thời gian nghỉ sinh con và trợ cấp hưu trí sẽ được tính từ con đầu, chứ không phải từ con thứ ba như hiện nay. Theo kế hoạch, dự luật cải tổ hệ thống hưu trí sẽ được trình lên Quốc hội Pháp thông qua vào đầu năm 2020.

Chính phủ Pháp khẳng định, những sự điều chỉnh trên sẽ tạo nên hệ thống hưu trí công bằng hơn và giúp xóa bỏ mức thâm hụt quỹ lương hưu, dự đoán sẽ lên tới 17 tỷ euro (19 tỷ USD) vào năm 2025.

Tháp Eiffel phải đóng cửa do nhân viên đình công. Ảnh: AP.

Vấn đề gai góc

Từ lâu, cải tổ hệ thống hưu trí đã là một vấn đề gai góc và nhạy cảm, làm “đau đầu” các nhà lãnh đạo của đất nước hình lục lăng. Trong quá khứ, nhiều chính phủ tiền nhiệm ở Pháp đã gặp thất bại khi theo đuổi mục tiêu trên vì người dân nước này vẫn rất gắn bó với hệ thống hưu trí hiện nay, vốn được đánh giá là một trong những hệ thống tốt nhất thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng, cải cách tức là phải thay đổi và đã thay đổi thì luôn có những người bị ảnh hưởng về quyền lợi. Vậy nên, không có gì khó hiểu khi kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí của Tổng thống Macron và Chính phủ Pháp đang không “xuôi chèo, mát mái”. Những cuộc biểu tình phản đối kế hoạch này gây tắc nghẽn giao thông và tê liệt nhiều hoạt động công cộng ở Pháp trong nhiều ngày qua. Ngay cả Tháp Eiffel-công trình biểu tượng của “kinh đô ánh sáng” Paris cũng có lúc phải đóng cửa, ngưng phục vụ khách tham quan do nhân viên tòa tháp đình công.

Điểm mấu chốt khiến phía nghiệp đoàn Pháp không hài lòng là trong hệ thống hưu trí mới, chính phủ nước này sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt, bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công. Các nghiệp đoàn cho rằng việc áp dụng chế độ lương hưu chung như vậy sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư nhân phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu.

Quyết tâm theo đuổi

Theo Reuters, trong bối cảnh các cuộc đình công phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của Chính phủ Pháp đang tiếp diễn, Tổng thống Macron cho biết, ông sẽ không nhận lương hưu dành cho nguyên thủ quốc gia khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Lâu nay, các tổng thống Pháp đều nhận khoản tiền lương hưu khoảng 6.000 euro (6.650 USD) mỗi tháng sau khi rời vị trí lãnh đạo đất nước. Ngoài ra, nhà lãnh đạo 42 tuổi cũng từ chối nhận một ghế trong Hội đồng Hiến pháp sau khi rời khỏi Phủ tổng thống. Thông thường, các cựu nguyên thủ là thành viên trọn đời của hội đồng này với mức thù lao 13.500 euro (gần 15.000 USD) mỗi tháng. Trong một tuyên bố, Điện Elyseé nhấn mạnh rằng động thái của Tổng thống Pháp không nhằm mục đích tự quảng bá mà để thể hiện sự mẫu mực.

Ông Macron đắc cử Tổng thống Pháp vì đã đưa ra một chương trình cải tổ táo bạo nhằm đem lại “làn gió mới” cho nước Pháp. “Cải tổ và cải tổ sâu sắc hơn"-đó là khẩu hiệu mà chính khách Macron đã giương cao trong chiến dịch tranh cử. Một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Macron là cải tổ hệ thống hưu trí. Theo ông, hệ thống hưu trí hiện nay tại Pháp đã lỗi thời và không thể tiếp tục tồn tại. Ông muốn hướng tới một hệ thống đơn giản, quy định mức lương hưu theo điểm để bảo đảm công bằng cho mỗi người hưởng lương.

Bất chấp các cuộc đình công và biểu tình diễn ra trên cả nước nhằm hối thúc Chính phủ Pháp từ bỏ kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí này, Thủ tướng Philippe tuyên bố Paris sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng việc xây dựng một hệ thống hưu trí phổ quát và đạt mục tiêu cân bằng ngân sách. “Đây là trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Pháp, đã được người dân lựa chọn trong cuộc bầu cử tháng 5-2017. Tôi hiểu rõ rằng cuộc cải cách này rất phức tạp và chính phủ sẽ từng bước xây dựng một hệ thống hưu trí đơn giản, hiệu quả và công bằng hơn”, người đứng đầu Chính phủ Pháp khẳng định.

Đối với Tổng thống Macron, kế hoạch này có vai trò quan trọng, định hình cho nửa nhiệm kỳ còn lại với những biện pháp cải cách cần thiết để bảo đảm hệ thống tài chính phát triển trong bối cảnh dân số già hóa. Sau làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" phản đối tăng giá nhiên liệu, các cuộc đình công phản đối kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí tiếp tục đặt ra thách thức với chính quyền của ông Macron.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nuoc-phap-dau-dau-vi-ke-hoach-cai-to-he-thong-huu-tri-606225