Nước Mỹ sang trang
Bầu cử năm 2012 là lần cuối Mỹ chứng kiến mô típ chính trị quen thuộc kéo dài hàng thập niên, khi chủ nghĩa dân túy bảo thủ của ông Trump đã thúc đẩy một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
New York Times nhận định việc ông Barack Obama tái đắc cử năm 2012 là khởi đầu cho kỷ nguyên thống lĩnh mới của đảng Dân chủ nhờ sự trỗi dậy của một thế hệ cử tri trẻ và không phải người da trắng. Song khi nhìn lại, cuộc bầu cử năm 2012 cũng giống sự kết thúc của một thời kỳ: Chiến thắng cuối cùng của phong trào xã hội những năm 1960 trước đảng Cộng hòa theo trường phái Ronald Reagan.
Ba cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất - 2016, 2020 và 2024 - đều mang dáng dấp của giai đoạn chính trị mới được định hình bởi chủ nghĩa dân túy bảo thủ của ông Donald Trump. Nền chính trị Mỹ không còn như xưa kể từ khi ông Trump giành được đề cử từ đảng Cộng hòa, khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hiện xung đột về các lĩnh vực có tiếng nói chung trước đây.
Những quan niệm truyền thống đổi ngôi
Trước khi ông Trump lên nắm quyền, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa mang những đặc điểm nổi trội. Đảng Cộng hòa đại diện cho “kiềng 3 chân” theo trường phái Ronald Reagan: Chủ nghĩa tài chính bảo thủ và chính phủ tinh giản, tôn giáo theo chủ nghĩa cánh hữu và chủ nghĩa diều hâu trong chính sách đối ngoại. Trong khi đó, đảng Dân chủ đại diện cho tầng lớp lao động, sự đổi mới và phong trào của các nhà hoạt động tự do.
Cứ 4 năm, hai đảng lại lặp lại những quan điểm nổi bật: Chiến tranh và ngoại giao, chi tiêu cho phúc lợi và cắt giảm thuế, “giá trị gia đình” và các phong trào xã hội của những năm 1960, thương mại cùng doanh nghiệp tự do và lao động cùng bảo vệ việc làm. Những thông điệp quen thuộc này giúp dự đoán dễ dàng các xu hướng bầu cử trong dài hạn.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi ông Trump xuất hiện. Trong một số vấn đề, hai đảng thậm chí còn đổi ý tưởng cho nhau. Hiện tại, ông Trump ủng hộ tầng lớp lao động, chỉ trích giới tinh hoa, nỗ lực bảo vệ việc làm cho người Mỹ và lên án chính sách đối ngoại truyền thống, trong khi đảng Dân chủ bảo vệ chế độ, sự chuẩn mực và những chính sách đối ngoại lâu đời.
Các lĩnh vực vốn đạt được đồng thuận lưỡng đảng đột nhiên trở thành mặt trận tranh luận gay gắt, như nhập cư, thương mại tự do, liên minh thời hậu chiến và thậm chí cả sự ủng hộ của Mỹ với nền dân chủ trong và ngoài nước. Song, hai đảng dường như tạm thời gác lại những tranh cãi nảy lửa dưới thời Bush - Obama, như chiến tranh Iraq, an sinh xã hội và hôn nhân đồng giới.
Phần lớn thành viên cốt cán của đảng Cộng hòa hiện gần như không thể dung hòa với các chính sách của đảng, trong khi những người từng ủng hộ ông Obama - từ Robert F. Kennedy Jr. đến Elon Musk - đột nhiên sát gần ông Trump.
Xung đột đảng phái mới này dẫn đến các kết quả bầu cử đa dạng.
Năm 2016, ông Trump đạt được bước tiến lớn trong số cử tri da trắng không có bằng đại học, gồm cả các bang phía bắc nơi đảng Cộng hòa gặp bế tắc suốt thời gian dài. Kể từ đó, ông cũng thu hút được cử tri trẻ, da đen, gốc Tây Ban Nha và châu Á, nhóm vốn trung thành với đảng Dân chủ.
Sau ba cuộc bầu cử, khoảng cách đảng phái giữa cử tri da trắng và không phải da trắng hiện thu hẹp nhất kể từ khi ban hành Đạo luật Dân quyền năm 1964, còn lập trường về đảng phái giữa các thế hệ giảm 2/3. Điều ngạc nhiên nhất là sự phân chia giai cấp giữa giàu và nghèo, giữa tư bản và lao động dường như biến mất. Theo thăm dò, ông Trump mất đi cử tri có thu nhập hơn 100.000 USD/năm, trong khi được những cử tri có thu nhập thấp bỏ phiếu.
Thay vì xung đột giai cấp, trình độ học vấn trở thành xu hướng chia rẽ nhân khẩu học mới. Trước khi ông Trump vào chính trường, cách bỏ phiếu của cử tri có bằng cấp và không có bằng cấp không khác biệt nhiều. Nhưng hiện tại, khoảng cách giữa hai nhóm này đang ngày càng nới rộng.
Nước Mỹ đang tái cấu trúc chính trị?
Không rõ những thay đổi này có đủ để nhận định nền chính trị Mỹ đang “tái cấu trúc” (realignment) hay không, khi một đảng đạt được lợi thế chính trị lớn trong nhiều thập niên. Theo định nghĩa này, kết quả bầu cử vừa qua với ông Trump và đảng Cộng hòa là chưa đủ, bởi họ không nắm giữ lợi thế nổi trội nào, và kể cả nếu có, không rõ điều đó có kéo dài được 4 năm không.
Tuy nhiên, việc ông Trump xuất hiện trên chính trường Mỹ có hai đặc điểm đáng chú ý trong tái cấu trúc chính trị: Thay đổi xung đột chính trị cơ bản giữa 2 đảng và dẫn tới những chuyển biến tương ứng trong nội bộ đảng. Sự dịch chuyển này không nhỏ và không phải do mình ông Trump tác động. Nhìn rộng ra, các nền dân chủ phương Tây cũng đang chứng kiến xu thế tái cấu trúc chính trị, nơi tàn dư của trật tự chính trị công nghiệp cũ đang bị thay thế bởi một điều khác.
Các đảng cánh tả lâu đời như Công đảng ở Anh hay đảng Xã hội ở Pháp đánh mất sự ủng hộ của tầng lớp lao động vào tay chủ nghĩa dân túy bảo thủ mới bởi loạt vấn đề nổi cộm như nhập cư, thương mại và chủ quyền quốc gia.
Những vấn đề này không phù hợp với tư tưởng chính trị cánh tả - cánh hữu truyền thống. Thực tế, nhiều đảng cánh hữu hiện nêu cao vai trò của nhà nước phúc lợi. Trong một số trường hợp, những người bảo thủ theo chủ nghĩa dân túy lập luận giới tinh hoa lợi dụng các thể chế dân chủ và xuyên quốc gia thúc đẩy lợi ích và mục đích riêng, gây tổn hại tới người dân. Mặc dù các phong trào chính trị này đang vật lộn để xây dựng phe đa số và tìm kiếm chỗ đứng lâu dài, quan điểm của họ vẫn gây được tiếng vang mạnh mẽ.
Mặt khác, các đảng trung tả ngày càng phụ thuộc vào tầng lớp mới gồm sinh viên tốt nghiệp đại học giàu có. Các đảng này vẫn khao khát bảo vệ tầng lớp lao động, nhưng đây không phải động lực chính trong nhiều thập niên. Họ dựa trên các nhà hoạt động tiến bộ, có trình độ đại học, những người có tư tưởng văn hóa và kinh tế không hợp với nhãn quan của cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Ngay cả khi các đảng này có mục tiêu nâng đỡ cử tri lao động, các chính sách của họ chưa đủ sức nặng. Thay vào đó, họ cần liên minh với phe bảo thủ truyền thống theo chủ nghĩa tự do, những người phản đối nhóm cánh hữu dân túy về thương mại, nhập cư, chính sách đối ngoại và dân chủ.
Lần cuối cùng Mỹ đối mặt với tái cấu trúc chính trị là từ những năm 1950 và 1960. Chiến thắng của ông Obama trước ông Romney chính là đỉnh cao của kỷ nguyên này. Trong bầu cử năm 2012, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa giữ nguyên lập trường thường thấy và tái hiện những kịch bản quen thuộc. Cuối cùng, việc ông Obama trở thành tổng thống như phán quyết cho toàn bộ thời đại này: Những người theo chủ nghĩa tự do đã chiến thắng, và liên minh chính trị bảo thủ thống trị sau những năm 1960 đã kết thúc.
Chưa đầy 50 năm sau Đạo luật Dân quyền, nước Mỹ bầu ra một tổng thống da đen theo chủ nghĩa tự do. Nhiều người đồn đoán nước Mỹ sẽ sớm có một nữ tổng thống. Hôn nhân đồng giới phổ biến và sớm trở thành luật. Chỉ trong vài năm, những thay đổi về nhân khẩu học hứa hẹn sẽ biến chiến thắng sít sao của ông Obama thành lợi thế lâu dài của đảng Dân chủ.
Bốn năm sau, ông Trump đã phá hủy những gì còn sót lại của “kiềng ba chân” Reagan và tái định nghĩa đảng Cộng hòa xoay quanh loạt vấn đề mới. Tổng thống đắc cử theo sau chủ nghĩa dân túy, sự đổi mới và giai cấp lao động, vận động về thương mại và Trung Quốc, nhập cư, năng lượng và sự thống trị của phe cánh tả có trình độ đại học, tự do, chủ nghĩa “thức tỉnh” (woke). Sau cùng, đảng Dân chủ đánh mất thông điệp cốt lõi và những cử tri truyền thống.
Dù những diễn biến vừa qua có tái cấu trúc nền chính trị Mỹ hay không, New York Times nhận định rõ ràng nước này đang bước vào một kỷ nguyên chính trị mới.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nuoc-my-sang-trang-post1520398.html