Những ngày qua, ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài kết hợp việc Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến nước sông Hồng dâng cao.
Theo ghi nhận của PV Báo điện tử VTC News, khu vực bãi giữa sông Hồng mênh mông nước khiến người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc đi lại.
Ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) - một trong hai con đường ra vào khu vực bãi giữa sông Hồng, có đoạn nước ngập sâu 2-3m, kéo dài 200m. Người dân ở đây phải dùng thuyền để đưa con đi học, đi làm, đi chợ...
Khu vực này có hơn 100 hộ dân làm nghề canh tác hoa màu như chuối, ngô, khoai... Khi tuyến đường bị nước lũ chia cắt, các gia đình phải đi lại bằng thuyền cá nhân hoặc nhờ những nhà có thuyền chở đi làm, buôn bán.
Bình thường người dân chỉ cần 10 - 15 phút để mang nông sản ra chợ bán, nhưng gần 1 tháng nay họ mất cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị. "Khu vực này cứ mưa to là ngập nên gia đình tôi đã mua hẳn chiếc thuyền máy để hàng ngày vận chuyển nông sản cung cấp cho các chợ, nhà hàng tại nội đô", người dân ở bãi giữa sông Hồng chia sẻ.
Là tiểu thương sinh sống tại bãi giữa sông Hồng gần 20 năm nay, ông Đang cho biết, từ hôm nước dâng, việc buôn bán của ông vất vả hơn rất nhiều khi phải vận chuyển hàng bằng thuyền.
Anh Hào (người trồng hoa màu tại bãi giữa sông Hồng) cho hay, vườn rau của gia đình bị nước lũ nhấn chìm nhiều ngày nay khiến anh đứng ngồi không yên. "Tôi chỉ mong nước rút sớm để vớt vát được phần nào hoa màu chứ nếu tiếp tục ngập sâu thì chẳng còn hy vọng gỡ gạc được gì", anh Hào nói.
Người phụ nữ khệ nệ bê từng túi nhãn nhà trồng ở bãi giữa vào chợ trung tâm để bán.
Với những gia đình không có thuyền riêng, người dân phải gửi xe máy rồi di chuyển bằng thuyền. Mỗi lượt người, xe qua đoạn ngập phải trả phí 10.000 đồng, tiền gửi xe đạp, xe máy bên bờ là 10.000 đồng.
Nhiều nhà ven sông bị ngập lên cả nóc.
Không gian sinh hoạt thường ngày chìm sâu trong nước, nhiều hộ dân phải di tản đến ở nhờ nhà người quen.
Theo người dân, phải mất thêm khoảng 1 tháng nữa nước lũ mới có thể rút hết.