Nữ nhân viên báo cáo bị quản lý ép quan hệ dẫn đến mang thai, tố SpaceX trả thù và phân biệt đối xử

Nữ nhân viên cáo buộc công ty hàng không vụ trụ SpaceX phân biệt đối xử và trả thù trong một vụ kiện mới được đệ trình lên Tòa Thượng thẩm Los Angeles (bang California, Mỹ).

Michelle Dopak, điều phối viên sản xuất của SpaceX, cho biết trong vụ kiện rằng công ty trả lương cho cô ít hơn nam nhân viên và từ chối thăng chức cho cô.

Michelle Dopak kể trong vụ kiện rằng người quản lý (đã có gia đình) ép cô vào một mối quan hệ tình dục dạng trao đổi bắt đầu vào năm 2019, dẫn đến việc có thai. Michelle Dopak cho biết SpaceX đã trả đũa khi cô báo cáo về mối quan hệ này sau khi người quản lý rời công ty vào năm 2022, theo đơn kiện.

Michelle Dopak khai trong đơn kiện rằng người quản lý đã đề nghị trả cho cô 100.000 USD vào năm 2020 để phá thai nhưng cô từ chối. Michelle Dopak đang kiện công ty về một khoản bồi thường thiệt hại không xác định. Reuters là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về sự tồn tại của vụ kiện.

Michelle Dopak cáo buộc SpaceX thông đồng với người quản lý cũ của cô bằng cách cho phép anh ta "tẩu tán" 3,7 triệu USD cổ phiếu tại công ty để tránh các khoản thanh toán hỗ trợ nuôi con, theo vụ kiện mà trang Insider biết được.

Insider không thể liên lạc với người quản lý cũ của Michelle Dopak.

Đại diện SpaceX không trả lời ngay lập tức câu hỏi tìm kiếm bình luận từ Insider.

Trong đơn kiện, Michelle Dopak cáo buộc các lãnh đạo cấp cao SpaceX, gồm cả Giám đốc vận hành Gwynn Shotwell đã phớt lờ các khiếu nại về phân biệt đối xử dựa trên giới tính.

Michelle Dopak cáo buộc rằng cô và nữ hai nhân viên khác cùng nhóm vào tháng 8.2018 cảm thấy cần phải mang danh sách những thành tích và dự án của họ đến bà Gwynn Shotwell để cố gắng chứng minh giá trị bản thân và bác bỏ những tin đồn do nam nhân viên lan truyền về họ.

“Tuy nhiên, bất chấp những lời phàn nàn của chúng tôi, Gwynn Shotwell hoặc SpaceX không thực hiện hành động nào”, trích nội dung đơn kiện.

Cũng có trong đơn kiện dài 40 trang là cáo buộc của Michelle Dopak rằng cô bị bỏ qua cơ hội thăng tiến để nhường chỗ cho các nam ứng viên bên ngoài, được trả lương thấp hơn các đồng nghiệp nam và liên tục bị công ty quấy rối, phân biệt đối xử sau khi mang thai.

Theo vụ kiện, Michelle Dopak cho biết công ty đang cố gây áp lực khiến cô nghỉ việc bằng cách gia tăng công việc và phớt lờ những điều kiện ở nơi làm việc của cô.

Luật sư của Michelle Dopak không trả lời ngay lập tức câu hỏi từ trang Insider.

Michelle Dopak cáo buộc SpaceX phân biệt đối xử và trả thù trong một vụ kiện mới được đệ trình lên Tòa Thượng thẩm Los Angeles - Ảnh: Reuters

Michelle Dopak cáo buộc SpaceX phân biệt đối xử và trả thù trong một vụ kiện mới được đệ trình lên Tòa Thượng thẩm Los Angeles - Ảnh: Reuters

SpaceX đang đấu tranh với một vụ kiện khác vào tháng 10.2023 khi nhiều người cáo buộc rằng phụ nữ và nhân viên thiểu số bị trả lương thấp tại công ty. Ngoài ra, cơ quan dân quyền của Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện SpaceX với cáo buộc phân biệt đối xử với người tị nạn.

Tháng 2.2024, hãng tin Bloomberg nhận được khiếu nại về quyền công dân ở bang California tiết lộ các cựu nhân viên SpaceX đang cáo buộc lãnh đạo công ty nói đùa về hành vi quấy rối tình dục và sa thải những người báo cáo vấn đề của họ.

Công ty do Elon Musk điều hành đã phủ nhận hành vi sai trái trong các trường hợp trước đây do các nhân viên cũ đưa ra.

Hồi tháng 1.2024, truyền thông Mỹ phanh phui việc Elon Musk dùng chất kích thích và việc này từng đe dọa sự tồn vong của SpaceX.

Theo tạp chí The Wall Street Journal, sau khi Elon Musk đến muộn gần một giờ trong cuộc họp toàn thể SpaceX, nói luyên thuyên và lẩm bẩm trong khoảng 15 phút trước buổi họp được Gwynne Shotwell tiếp quản, các giám đốc công ty lo lắng liệu giám đốc điều hành của mình có sử dụng chất kích thích hay không,

The Wall Street Journal đưa tin Elon Musk nói không mạch lạc một cách bất thường khi lên sân khấu trước mặt các nhân viên SpaceX để thảo luận về việc phát triển nguyên mẫu Big Falcon Rocket của công ty. Trong đó, một giám đốc Space X mô tả sự kiện này là "vô nghĩa" và "đầy ngượng ngùng". Gwynne Shotwell đã phải thay Elon Musk và điều hành cuộc họp, theo Wall Street Journal.

Big Falcon Rocket là tên lửa khổng lồ được SpaceX chế tạo với sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa.

Tại SpaceX, nơi việc sử dụng ma túy bất hợp pháp có thể gây nguy hiểm cho các hợp đồng trị giá hàng tỉ USD với chính phủ Mỹ mà công ty này được hưởng do các quy định của liên bang. The Wall Street Journal khẳng định việc sử dụng chất kích thích của Elon Musk đã gây rủi ro cho gần 1.000 tỉ USD tài sản do các nhà đầu tư nắm giữ, khoảng 13.000 việc làm và tương lai của chương trình vũ trụ Mỹ.

Alex Spiro, luật sư của Elon Musk, nói với The Wall Street Journal rằng việc mô tả cuộc họp toàn thể SpaceX căng thẳng là "sai lệch như từng được xác nhận bởi vô số người có mặt".

Các báo cáo trước đây đã chỉ ra việc Elon Musk sử dụng chất kích thích, gồm cả ketamine để điều trị trầm cảm, làm dấy lên lo ngại với các thành viên hội đồng quản trị Tesla. Tuy nhiên, sự cố đặc biệt công khai khiến tỷ phú giàu nhất thế giới gặp rắc rối sau khi hút cỏ Mỹ trong một tập podcast của bình luận viên Joe Rogan.

Sự việc này khiến NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) đưa ra đánh giá an toàn về SpaceX và dẫn đến việc toàn bộ công ty phải kiểm tra ma túy trong một năm.

Sau khi tập này phát sóng, NASA đòi hỏi SpaceX cam kết bằng văn bản rằng công ty sẽ tuân thủ theo hướng dẫn liên bang về việc cấm sử dụng ma túy tại nơi làm việc và chi 5 triệu USD tiền đóng thuế để đào tạo nhân viên SpaceX, theo Wall Street Journal.

SpaceX cũng bắt đầu trấn áp các chất bất hợp pháp tại công ty bằng cách đưa vào chó đánh hơi ma túy, các nguồn tin nói với Wall Street Journal.

Luật sư của Elon Musk nói với The Wall Street Journal rằng ông “được thử nghiệm ma túy thường xuyên và ngẫu nhiên tại SpaceX nhưng chưa bao giờ dương tính”.

Elon Musk hiện không còn là người giàu nhất thế giới, thậm chí rơi vào vị trí thứ ba khi tài sản ròng chỉ còn 189 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Bernard Arnault, Chủ tịch LVMH (tập đoàn Pháp chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ), hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 197 tỉ USD. Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) xếp ở vị trí thứ hai với tài sản ròng 196 tỉ USD.

Nguyên nhân Elon Musk mất vị trí giàu nhất thế giới mà ông từng nắm giữ trong 9 tháng là do cổ phiếu Tesla đã giảm sâu trong năm 2024 và hiện ở mức 176,61 USD. Cổ phiếu nhà sản xuất xe điện Mỹ từng giảm 7% hôm 4.3 sau khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm trong tháng 2.

Theo Bloomberg, tài sản của Elon Musk có thể sẽ giảm thêm vì một thẩm phán ở bang Deleware (Mỹ) đã ra phán quyết bác bỏ gói thù lao 55 tỉ USD mà Tesla dành cho ông. Đây là phán quyết được đưa ra trong vụ kiện của cổ đông chống lại gói thù lao lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp này.

Quyền chọn cổ phiếu trong gói thù lao nói trên chiếm một trong những phần tài sản lớn nhất của Elon Musk, bên cạnh cổ phần trong Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX. Ở thời điểm hiện tại, Bloomberg vẫn tính số quyền chọn này như một phần trong khối tài sản của Elon Musk.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối tài sản ròng của Elon Musk đã “bốc hơi” hơn 40 tỉ USD.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nu-nhan-vien-bao-cao-bi-quan-ly-ep-quan-he-dan-den-mang-thai-to-spacex-tra-thu-va-phan-biet-doi-xu-214856.html