Nữ cảnh sát mạt sát trước mặt trẻ: Sẽ xuất hiện những 'bà Hiền' mới trong tương lai

Dư luận xã hội không khỏi bức xúc trước hành vi mắng chửi thậm tệ nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất của nữ cán bộ Công an quận Đống Đa Lê Thị Hiền (Hà Nội). Thậm chí, nhiều người bày tỏ xót thương cho đứa trẻ đi cùng, được nữ cán bộ này xúi 'khóc to lên con'…

Theo các độc giả, hành động của bà Hiền vô hình chung, sẽ tạo những tiền lệ xấu cho trẻ em, sẽ xuất hiện những "bà Hiền" mới trong tương lai không xa.

Hình ảnh và hành động phản cảm, xấu xí của bà Hiền tại sân bay Tân Sơn Nhất gây bức xúc dư luận.

Chia sẻ với Infonet, TS Tâm lý Trần Thành Nam (giảng viên trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bố mẹ là người có ảnh hưởng quan trọng đến con. Những hành vi ứng xử của cha mẹ sẽ tạo những ấn tượng sâu sắc cho con, trẻ lấy đó làm hình mẫu để học tập.

“Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, bố mẹ có hành vi bạo lực trong gia đình với con hay với người khác thì trẻ cũng học được hành vi bạo lực rất nhanh; và trẻ cũng coi rằng, việc bạo lực với người khác là có thể chấp nhận được. Vì bố mẹ, người thân cận nhất của trẻ cũng có hành xử như vậy và "được" xã hội chấp nhận.

Vì thế trong bối cảnh cha mẹ lớn tiếng, có hành vi ứng xử sai, quát nạt người khác, cậy mình có thế lực để lăng mạ, mạt sát người khác… sẽ khiến trẻ bắt chước hành vi ấy và tiêm nhiễm những thói xấu cho mình sau này. Có thể trẻ chưa ý thức và không cậy mình là ai, nhưng trẻ có thể cậy mẹ nó là “cảnh sát” hay là “ai đó” để có hành vi bắt nạt, xúc phạm người khác”, TS Nam phân tích.

Sở dĩ có hiện tượng này bởi, theo TS Nam, trong hình dung của trẻ, chúng nghĩ những hành vi đó hoàn toàn được "chấp nhận" vì những người thân quen chúng làm. Và khi niềm tin đã hình thành thì sẽ mâu thuẫn với những giá trị khác, hành vi khác được coi là chuẩn mực của xã hội. Ví dụ, như thầy cô nào đó nếu có hành vi, lời nói khiến trẻ không thích, giống như mẹ, trẻ sẽ phản ứng lại.

“Vì sao lại như vậy? Là bởi vì trẻ sẽ tin người nào có ảnh hưởng với nó lớn hơn, hoặc chịu trách nhiệm về nó nhiều hơn. Mà người có vai trò quan trọng nhất của đứa trẻ là bố mẹ. Cho nên hành vi ứng xử của bố mẹ chính là tấm gương cho con cái. Bố mẹ có vai trò quan trọng hơn thầy cô, nên nhiều khi thầy cô có dạy kiểu gì đi chăng nữa mà bố mẹ làm theo chiều ngược lại, trẻ sẽ có xu hướng bắt chước theo bố mẹ nhiều hơn là nghe theo lời các thầy cô”, TS Nam nhấn mạnh.

Đáng ngại hơn, điều này đồng nghĩa với việc, trong tương lai sẽ hình thành thêm một “bà Hiền” mới, cũng mạt sát, la làng, coi trời bằng vung… từ chính đứa trẻ mà cô ấy dắt trên tay tại sân bay hôm ấy. Trong clip còn ghi lại hình ảnh, thấy chị Hiền la lối, cô bé có khóc, ngay lập tức nữ cảnh sát này vừa kéo tay vừa bảo con “khóc to lên con”…

Phân tích tình huống này, TS Nam cho rằng “chị ấy đã giúp con bắt chước hành vi ăn vạ, nói dối, bạo lực hành động, bạo lực lời nói với người khác… Tất cả những điều đó là hình mẫu để nó học theo. Về sau muốn đạt được mong muốn của mình, trẻ sẽ lặp lại y chang những hành vi của mẹ”. Và như thế “chính người mẹ sẽ chịu hậu quả đầu tiên”, TS Nam nói.

“Đây chính là điều chúng ta đang nói rất nhiều. Trong khi chúng ta làm mọi cách như tăng cường dạy kỹ năng, giáo dục đạo đức học sinh … nhưng không thành công. Vì giáo dục có làm tốt như thế nào nhưng nền tảng gia đình không được tốt. Người lớn toàn làm ngược những gì chúng ta nói, cuối cùng đứa trẻ thấy người lớn chỉ nói, chứ có làm như vậy.

Cái đứa trẻ học được là hình dung trong đầu… bài học về đạo đức cứ phải nghi ngờ lại đã. Cách ứng xử của mẹ với những người xung quanh vô hình chung khiến trẻ nghi ngờ những người xung quanh, nghi ngờ về thế giới. Chúng sẽ luôn luôn nghĩ, những người xung quanh có thể vì lợi ích, mục đích nào đó sẵn sàng lợi dụng nó…”, TS Nam bức xúc phân tích thêm.

Một lần nữa, TS Nam cho rằng, “nạn nhân đầu tiên của thói côn đồ, ăn vạ” khi bà Hiền mạt sát nhân viên sân bay chính là con bà ấy. “Hành vi này trẻ học được từ mẹ. Trẻ học được kiểu ăn vạ, la làng từ mẹ thì sẽ áp dụng với tất cả mọi người, sau này mẹ nó chịu trận đầu tiên”, TS Nam nhận định.

Thông tin từ Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất cho, biết khoảng 13 giờ 35 ngày 11.8, hành khách Lê Thị Hiền (36 tuổi, trú tại Hà Nội) đi cùng hành khách Ngô Tiến Dũng và Lê Bảo An đến làm thủ tục chuyến bay VN248 lộ trình TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội.

Bà Hiền đã gửi 4 kiện hành lý tiêu chuẩn miễn cước nhưng yêu cầu nhân viên làm thủ tục gửi thêm 1 kiện hành lý xách tay, khi không được đồng ý, bà Hiền đã tỏ thái độ bức xúc và lớn tiếng, có lời lẽ thô tục với nhân viên hàng không.

An ninh sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho biết, sau đó bà Hiền đồng ý xách tay kiện hành lý trên và đại diện hãng bay đã giải quyết cho hành khách này đi chuyến bay trên. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển đến bộ phận an ninh soi chiếu, bà Hiền làm mất thẻ lên máy bay và tiếp tục đến quầy 1A lớn tiếng.

Đại diện Vietnam Airlines đã quyết định hủy chuyến với bà Hiền để đảm bảo an ninh, an toàn. Trong lúc hướng dẫn bà Hiền liên hệ với Cảng vụ hàng không miền Nam để giải quyết vụ việc, bà Hiền lại tiếp tục to tiếng, gây mất an ninh trật tự công cộng. An ninh sân bay Tân Sơn Nhất đã chuyển vụ việc trên cho Cảng vụ hàng không miền Nam xử lý theo quy định.

Công an quận Đống Đa đã xác minh và xác định nữ hành khách kể trên là đại úy Lê Thị Hiền (36 tuổi, quê tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), hiện đang là cán bộ của Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an quận Đống Đa. Sáng nay 23/8, trao đổi với báo chí, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết đã đình chỉ công tác 30 ngày đối với nữ cảnh sát này.

N. Huyền

Từ khóa: Dư luận xã hộ Bức xúc Mắng chửi thậm tệ Nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất Nữ cán bộ Công an quận Đống Đa Lê Thị Hiền Hà Nội Kích động tâm lý

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nu-canh-sat-mat-sat-truoc-mat-tre-se-xuat-hien-nhung-ba-hien-moi-trong-tuong-lai-post310639.info