NSND Lệ Thủy: Bị cháy nhà, mất hết gia tài và đẩy xuống hát vai phụ
'Chúng tôi cạnh tranh nhau từng chút một, nhưng cạnh tranh bằng năng lực, chứ không phải thù ghét rồi hãm hại nhau' – NSND Lệ Thủy chia sẻ.
Vừa qua, tại phần 6 chương trình Hồi ký Lệ Thủy, NSND Lệ Thủy (cây đại thụ trong làng cải lương Việt Nam) đã tiết lộ về những biến cố lớn từng xảy đến với cô trong giai đoạn đỉnh cao.
Mọi thứ đều cháy rụi, cả gia tài của nhà tôi đều không còn gì hết
Ở thời hoàng kim, tên tuổi tôi rất nổi tiếng trên làng đĩa nhựa, dù còn rất nhỏ tuổi. Thậm chí, tôi còn "láu cá" nghĩ ra trò đòi tăng giá cát xê, ai ngờ được hãng đĩa đồng ý luôn.
Tôi đi hát liên tục và được cả huy chương vàng giải Thanh Tâm năm mới 16 tuổi. Nói chung là tôi nổi tiếng khá sớm. Tôi cũng là người đầu tiên hát tân cổ giao duyên.
Tuy nhiên, sau đó thì biến cố lớn xảy ra. Tôi còn nhớ, sáng mùng 2 Tết năm 1968, tôi và đứa em lên nhà bạn chơi, tới chiều thì nhà tôi bị cháy, cháy đến tận tối, không còn gì hết.
Hai hôm sau tôi mới về nhà, thấy mọi thứ đều cháy rụi, cả gia tài của nhà tôi đều không còn gì hết. Toàn bộ son phấn, đồ diễn, gia tài đi hát của tôi cũng không còn gì.
Nhưng cũng may lúc đó tôi vừa kí hợp đồng đi hát trước Tết, nên trong người còn vài trăm đồng, mới đi mượn thêm tiền để xây lại nhà mới.
Sau đó suốt một năm liền, vì nhiều biến cố nên không có đoàn cải lương nào được hát trong thành phố. Tôi phải nghỉ quá lâu, suốt mấy tháng trời không được đi hát, nên buồn rầu, trống trơn.
Tôi nghĩ chắc phải giải nghệ rồi, nên mới tìm cách đi buôn bán. Nhưng rồi tôi cũng không đi buôn được.
Nằm khóc, ganh tị vì bị đẩy xuống hát vai phụ
Gần một năm sau, ông bầu mới quy tụ anh chị em nghệ sĩ chúng tôi lại để đi hát cho có đồng ra đồng vào. Chúng tôi chỉ được hát ban ngày, từ hai rưỡi chiều tới 6 giờ tối. Buổi tối, chúng tôi không được hát và cả thành phố cũng không có hoạt động gì.
Các đoàn ngày đó còn phải hát luân phiên nhau để được hát trong thành phố. Cứ nửa tháng một chúng tôi được hát trong Sài Gòn, sau đó phải ra các tỉnh vùng sâu để hát tại đình chùa.
Sau này, tôi được theo các đoàn đi ra miền Trung hát và cứ thế hát ngoài đó suốt gần hai năm trời. Tôi thấy lâu quá, mới đòi cho về lại thành phố hát, nếu không tôi sẽ nghỉ. Cuối cùng thì tôi cũng được về lại Sài Gòn.
Sau hai năm đi diễn ngoài miền Trung trở về, tôi mất hết tên tuổi trên làng băng đĩa nhựa, không còn ai kêu tôi đi thu nữa vì đã có Mỹ Châu rồi. Lúc đó, Mỹ Châu ca cải lương rất hay.
Tôi đến hãng đĩa Việt Hải để thu vở Lá trầu xanh, nhưng bị đẩy xuống vai phụ, còn Mỹ Châu được thu vai chính. Trong khi đó, bình thường tôi được vào vai chính.
Tôi buồn lắm, về nhà nằm khóc quá trời. Hồi đó tôi mới 21 tuổi, còn nhỏ lắm nên mới ganh tị với Mỹ Châu vì thấy Mỹ Châu được cưng chiều hơn tôi.
Tôi không biết làm thế nào, nhưng vẫn phải đi thu vì nếu không thu thì không ai biết tôi đã về Sài Gòn. Tôi kiên nhẫn lắm, chấp nhận đóng vai phụ để được khán giả biết tới, chứ không vì cái tự ái của mình mà bỏ không đóng.
Nhờ việc hát vai phụ mà tôi được mọi người chú ý đến và lấy lại được tên tuổi. Từ đó, tôi bắt đầu phấn đấu để được đóng vai chính trở lại. Tôi muốn được đóng vai chính, vì giá cát xê của đào nhì chỉ bằng một nửa của đào chính thôi, chênh lệch giữ lắm.
Ngày xưa, chúng tôi cạnh tranh nhau từng chút một, nhưng cạnh tranh bằng năng lực, chứ không phải thù ghét rồi hãm hại nhau.
Tóm lại, tôi bị hụt hẫng, mất đi danh tiếng trong 2 năm, nhưng chỉ mất 2 năm sau là tôi lấy lại được tên tuổi của mình.